Thế giới

Thỏa thuận di cư Italia - Albania đối mặt thách thức mới

Thương Nguyệt 13/11/2024 - 08:16

Khái niệm quốc gia an toàn đang là một trở ngại đáng kể đối với những nỗ lực của Chính phủ Italia trong thực hiện đầy đủ thỏa thuận di cư gây tranh cãi với Albania, theo Forbes.

Ngày 12-11 (giờ địa phương), một tòa án Italia đã ra lệnh chuyển một nhóm người xin tị nạn tới quốc gia này để giải quyết các thủ tục pháp lý. Trước đó, số người di cư này đã bị chặn lại trên biển và được đưa đến Albania.

Đây là lần thứ hai một thẩm phán Italia đưa ra phán quyết tương tự, liên quan tới quan điểm của chính phủ quốc gia này và Liên minh châu Âu (EU) về khái niệm quốc gia an toàn. Vấn đề này đang chứng tỏ là một trở ngại đáng kể trên con đường Chính phủ Italia thực hiện đầy đủ thỏa thuận di cư đầy tranh cãi với Albania.

Những người xin tị nạn mà thẩm phán ra lệnh chuyển đến Italia đều xuất phát từ Ai Cập và Bangladesh. Theo nhận định của Chính phủ Italia, đây đều là những quốc gia được đánh giá là đủ an toàn để trục xuất người dân trở về. Điều này rất quan trọng vì luật pháp quốc tế và EU quy định, các quốc gia thường không thể buộc người di cư trở lại những nơi mà họ có khả năng phải đối mặt với nguy hiểm hoặc tổn hại đáng kể. Nguyên tắc này được gọi là không trục xuất.

thoathuandicuitaliaanbalia.jpg
Tàu Hải quân Italia chuyển người di cư đến Albania theo thỏa thuận gây tranh cãi. Ảnh: Reuters

Tương tự như các quốc gia thành viên EU khác, Italia đã lên danh sách các quốc gia được coi là an toàn. Chính phủ Italia đang khẳng định quyền trả lại người dân cho chính những quốc gia trong danh sách. Đây cũng là cơ sở để Italia củng cố thỏa thuận với Albania. Tóm lại, người dân từ các quốc gia an toàn có khả năng bị từ chối đơn xin tị nạn và Italia muốn có thể dễ dàng buộc họ trở về nơi xuất phát.

Vấn đề là Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) dường như không ủng hộ việc mỗi quốc gia có danh sách các quốc gia an toàn của riêng mình. Trong một phán quyết hồi đầu năm, ECJ tuyên bố Séc không thể buộc người di cư trở lại Syria, bất chấp việc Prague khẳng định mức độ an toàn của quốc gia ở Trung Đông. Về cơ bản, tòa án phán quyết rằng, một quốc gia được tuyên bố là an toàn với điều kiện không xảy ra xung đột, bạo lực, nguy cơ bị đàn áp… trên toàn bộ lãnh thổ.

Chính phủ Italia đã vận động hành lang mạnh mẽ để triển khai thỏa thuận di cư gây tranh cãi và có vẻ như sẽ tiếp tục bất chấp những trở ngại về mặt pháp lý, cũng như sự trích từ quốc tế. Có rất ít dấu hiệu cho thấy, thỏa thuận di cư với Albania sẽ sớm bị hủy bỏ dựa trên thực tế rằng nhu cầu về các chương trình tương tự đang gia tăng trên khắp EU, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về tình trạng di cư bất hợp pháp vào khối này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận di cư Italia - Albania đối mặt thách thức mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.