(HNM) - Chính sách nhập cư đang ngày càng gây chia rẽ nước Đức. Mới đây, khoảng 10.000 người dân quốc gia này đã tập trung bên ngoài Quảng trường Washington, thủ đô Berlin, để phản đối lập trường mở cửa cho người di cư của Thủ tướng Angela Merkel, điều mà họ cho rằng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tấn công
Đức thắt chặt an ninh sau các vụ tấn công khủng bố. |
Sau 4 vụ tấn công xảy ra chỉ trong 7 ngày ở Đức hồi tháng trước (3 vụ trong số đó đều liên quan những người muốn xin được tị nạn), những chia rẽ trong dư luận về chính sách tiếp nhận người nhập cư của nhà lãnh đạo A.Merkel ngày càng rõ ràng hơn. Cuộc khủng hoảng nhập cư đã bộc lộ sự tác động mạnh mẽ tới người dân và gây tranh cãi sâu sắc trong xã hội. Chưa bao giờ bà A.Merkel phải hứng chịu búa rìu dư luận nặng nề như vậy khi kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, 83% người Đức cho rằng, người nhập cư là thách thức lớn nhất với đất nước họ - gấp đôi số người có quan điểm này trong năm ngoái. Rõ ràng, gánh nặng và áp lực từ nhiều phía đang đè nặng lên Thủ tướng A.Merkel và chính phủ của bà.
Quan trọng hơn, làn sóng biểu tình vừa diễn ra trên đường phố Berlin cho thấy, vấn đề nhập cư và người tị nạn đã trở thành yếu tố quyết định góp phần định hình diện mạo chính trị của cuộc bầu cử tại các khu vực ở Đức năm 2017. Các cuộc tấn công xảy ra liên tiếp gần đây đã thúc đẩy sự gia tăng hoạt động của chính đảng có tư tưởng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) - vốn đã kêu gọi kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn từ trước đó. Sau vụ xả súng ở Munich, AfD đã lập tức "lợi dụng" vụ việc để thu hút phiếu bầu. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện INSA thực hiện, tỷ lệ người Đức được hỏi ủng hộ chính phủ liên minh cầm quyền giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lần đầu tiên giảm xuống dưới 50%. Cũng theo cuộc thăm dò, AfD có thể sẽ trở thành thế lực lớn thứ ba ở Quốc hội Đức trong cuộc bầu cử sắp tới. Lý giải về những con số này, báo chí Đức cho rằng sự sụt giảm trên một phần có liên quan cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Thêm vào đó, từ nay đến cuối năm 2020, Chính phủ Đức dự kiến phải chi khoảng 93,6 tỷ euro cho các chi phí liên quan đến người nhập cư. Con số này có thể sẽ gia tăng áp lực đối với Thủ tướng A.Merkel, đồng thời giảm bớt cơ hội giành chiến thắng của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử.
Với lập trường thân thiện, Thủ tướng A.Merkel cho rằng hoàn toàn không chính xác khi nhận định dòng người nhập cư đang đổ vào Đức sẽ chỉ tạo nên gánh nặng đối với nước này. Trên thực tế, những người này cũng góp phần vào sự phát triển của kinh tế Đức khi họ tìm được việc làm và tham gia đóng thuế. Bên cạnh đó, sự có mặt của những người nhập cư được cho là sẽ mang lại những lợi ích lâu dài đối với lực lượng lao động vốn đang bị già hóa nhanh tại Đức. Tuy nhiên, những người phản đối chính sách của Chính phủ liên bang lại đặt câu hỏi về những gánh nặng tài chính mà nước Đức sẽ chi phí để dàn xếp cuộc khủng hoảng nhập cư. Tuy nhiên, mặc cơn sóng chỉ trích, bà A.Merkel vẫn kiên quyết bảo vệ các quyết định chính trị của mình đến cùng.
Hơn nửa triệu người nhập cư đã tràn qua biên giới nước Đức trong năm ngoái, gần bằng số dân ở thành phố Munich, thành phố lớn thứ ba của nước này. Mặc dù số lượng người di cư đã giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn tiếp tục có thêm nhiều người từ những nước xảy ra chiến sự như Syria đến Đức tìm cơ chế tị nạn. Thậm chí, nguy cơ làn sóng người nhập cư vào Đức có thể sẽ bùng phát trở lại sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo, Ankara sẽ ngừng thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) về hạn chế dòng người di cư đến lục địa này nếu EU không áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ như đã cam kết.
Trong bối cảnh đó, sự chia rẽ trong xã hội Đức không chỉ là thách thức lớn đối với cá nhân Thủ tướng A.Merkel mà còn khiến các thành viên EU nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược giải quyết dòng người tị nạn của Berlin. Nếu niềm tin bị phai nhạt, “bà đầm thép” của nước Đức sẽ khó kêu gọi và thực hiện quy định phân bổ người tị nạn tới 28 nước thành viên của liên minh. Nghiêm trọng hơn, việc một quốc gia “đầu tàu” như Đức bị chia rẽ, phải chịu nhiều gánh nặng, sẽ ảnh hưởng đến tương lai vốn đang đầy thách thức của Cựu lục địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.