Thế giới

Nguy cơ khủng hoảng ngân sách nước Đức

Quỳnh Dương 30/11/2023 - 07:43

Nền kinh tế Đức đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách khá nghiêm trọng sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã vi phạm quy định nợ công khi chuyển gần 60 tỷ euro, vốn dành cho các hoạt động hỗ trợ đại dịch Covid-19 song chưa sử dụng, sang quỹ chống biến đổi khí hậu.

Quyết định này đang làm đảo lộn kế hoạch chi tiêu của Chính phủ Đức cho năm tài khóa 2024.

thu-tuong-duc-olaf-scholz-p.jpg
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Quốc hội về tình hình ngân sách quốc gia.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày 28-11 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết rằng, liên minh cầm quyền sẽ làm việc “nhanh nhất có thể” để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách. Tuy nhiên, chi tiết những giải pháp mà ông đề cập chưa mang lại sự tin tưởng cho dư luận nước này.

Chính sách "hãm nợ" của Đức được áp dụng từ năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, chính sách này được miễn thực thi trong giai đoạn 2020-2022 để có thể gia tăng các khoản chi tiêu công khẩn cấp đối phó với cuộc khủng hoảng. Đến năm 2023, biện pháp “hãm nợ” đã được áp dụng trở lại và đây là lý do quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng số tiền 60 tỷ euro không được Tòa án Tối cao Đức chấp nhận.

Sau quyết định của tòa án, Chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu đã đình chỉ hầu hết dự án được tài trợ thông qua Quỹ biến đổi khí hậu và áp đặt lệnh “đóng băng” rộng rãi đối với các khoản chi tiêu mới trong thời gian còn lại của năm 2023. Phán quyết gây rối loạn cho kế hoạch công bố ngân sách năm 2024 của chính phủ, thậm chí có thể tiếp tục tác động đến kế hoạch tài chính cho đến năm 2027.

Giải quyết cuộc khủng hoảng này, liên minh cầm quyền giữa các đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) đang tìm kiếm biện pháp ban hành tuyên bố “tình trạng khẩn cấp đặc biệt”, tạo cơ sở pháp lý để đình chỉ biện pháp “hãm nợ” và có thể vay 40 tỷ euro, bù vào “lỗ hổng” 60 tỷ euro. Nếu thành công, đây sẽ là năm thứ tư liên tiếp Chính phủ Đức phải hoãn thực thi chính sách trần nợ công. Chia sẻ trên truyền thông xã hội, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết chính phủ liên bang sẽ trình ngân sách bổ sung để bảo đảm về mặt hiến pháp cho các khoản chi tiêu công trong năm 2023. Cũng theo ông Lindner, cùng với kế hoạch tài khóa mới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua việc tuyên bố "tình trạng khẩn cấp đặc biệt", tạo cơ sở pháp lý để đình chỉ quy định nợ.

Tuy nhiên, để có thể ban hành tuyên bố “tình trạng khẩn cấp đặc biệt” nói trên, các giải pháp liên quan của Chính phủ Đức phải được Quốc hội thông qua. Thách thức hiện nay là liên minh cầm quyền không chiếm 2/3 số ghế tại cơ quan lập pháp. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) đối lập không có xu hướng ủng hộ đình chỉ biện pháp “hãm nợ”. Thiếu 40 tỷ euro bổ sung, Chính phủ Đức chỉ còn biện pháp cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu công và tăng thuế trong 2 năm tới. Điều này có thể làm tăng thêm những thách thức mà Đức phải đối mặt khi những hệ lụy của việc Nga cắt nguồn cung khí đốt vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, gây sức ép với cộng đồng doanh nghiệp và tăng chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình.

Nguy cơ khủng hoảng ngân sách cũng đang làm gia tăng căng thẳng trong nội bộ liên minh cầm quyền. Mặc dù đảng Xanh muốn chi tiêu bổ sung nhưng đảng FDP từ chối nợ bổ sung và việc tăng thuế. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, một thành viên của đảng Xanh đã lên tiếng cảnh báo rằng, phán quyết của tòa án có thể gây thiệt hại cho ngành công nghiệp Đức, phá vỡ các mục tiêu về biến đổi khí hậu và khiến việc làm bị chuyển ra nước ngoài.

Trên thực tế, Quỹ chống biến đổi khí hậu được thiết kế để bảo đảm tạo ra giá trị và việc làm. Trong bối cảnh Đức đang thúc đẩy các chính sách nhằm sớm đạt được mục tiêu đưa khí thải carbon về 0, quỹ này được dùng để tài trợ cho việc sản xuất thép xanh, hóa chất xanh, tăng cường sản xuất hydro, sản xuất pin và cả sản xuất chất bán dẫn với mục đích tăng cường an ninh kinh tế. Nếu quỹ không đủ kinh phí để vận hành, nhiều lĩnh vực liên quan cũng sẽ đối mặt với rủi ro.

Trong một cuộc thăm dò gần đây của kênh RTL - Đức, 66% người Đức không nghĩ rằng Thủ tướng Olaf Scholz có thể vượt qua cuộc khủng hoảng mà đất nước đang trải qua. Phán quyết của Tòa án Tối cao là động lực thúc đẩy đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo đối lập chính, vốn đã khởi kiện Chính phủ, xem xét hành động pháp lý tiếp theo. Nhìn chung, liên minh chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đang phải chứng kiến những thách thức khó khăn nhất kể từ khi thành lập năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ khủng hoảng ngân sách nước Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.