(HNM) - Xuân mới đang tràn về trên những cánh đồng, những xóm làng ngoại thành Hà Nội. Thời điểm này cũng trùng với lịch thời vụ nông dân xuống đồng cấy xuân. Vì vậy, từ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nông dân các huyện ngoại thành đã chủ động lấy nước, làm đất và chăm sóc mạ để cầu mong năm mới "mưa thuận gió hòa", vụ mùa bội thu, đời sống sung túc.
Nông dân ngoại thành khẩn trương làm đất gieo cấy xuân. Ảnh: Đỗ Chí |
Vui xuân không quên sản xuất
Mấy ngày nay, dù vui đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhưng bà Phùng Thị Trinh, thôn 8, xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) vẫn không quên ra đồng thăm hơn 100m2 diện tích mạ xuân. Bà Trinh cho biết, trước Tết, gia đình bà đã cấy được 2 sào và hoàn thành làm đất 9 sào. "Ngày 4 Tết, chúng tôi sẽ ra đồng tiếp tục cấy xuân cho kịp thời vụ. Vụ xuân năm nay đầu vụ có rét đậm, rét hại, nhưng toàn bộ diện tích mạ được che phủ nilông nên đang phát triển tốt và bảo đảm đủ mạ. Theo kinh nghiệm nhiều năm, thời tiết vụ xuân năm nay bước đầu thuận lợi là tín hiệu tốt để nông dân có một vụ bội thu, đời sống no đủ cả năm"- bà Trinh bộc bạch. Cũng như bà Trinh, nhiều nông dân ở xã Hạ Bằng và các xã khác của khu vực phía tây thành phố, theo tập quán từ xưa, đã cấy trà xuân sớm, xuân trung từ trước Tết. Ông Bùi Văn Tỉnh, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) chia sẻ: "Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tranh thủ có nước, dự báo thời tiết cũng có chiều hướng thuận lợi nên nông dân sẽ tập trung xuống đồng gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất trung tuần tháng 2. Từ trước Tết, chúng tôi đã huy động máy cày, trâu bò cày ải, làm đất". Tại Sơn Đông, một trong những xã có diện tích cấy lúa xuân lớn nhất TX Sơn Tây (277ha) cũng đã đủ nước, hoàn thành làm đất và đã cấy được khoảng 200ha. Theo ông Nguyễn Văn Tiến (xã Sơn Đông), năm nay nước đổ ải, làm đất khá thuận lợi nên nông dân trong xã đã tranh thủ làm đất, cấy xuân sớm, nhiều hộ đã cấy xong từ trong Tết. Sau tết, xã Sơn Đông còn khoảng 70ha ở những vùng cao sẽ hoàn thành trước ngày Rằm tháng Giêng. Phó phòng Kinh tế TX Sơn Tây Khuất Văn Học cho biết, vụ xuân 2013, thị xã đã chỉ đạo các xã gieo hơn 74 tấn lúa giống, trong đó có 65,5 tấn lúa giống ngắn ngày, chất lượng cao, lúa lai như Khang dân, TH3-3, TH3-4, ĐB5, DDB6, nếp, lúa lai, N46… Trong 1.700ha lúa xuân, thị xã Sơn Tây cũng áp dụng kỹ thuật mới như gieo thẳng, sạ hàng 600ha ở các xã Trung Sơn Trầm, Cổ Đông, Kim Sơn…
Đối với các huyện phía bắc như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm thì nông dân lại có tập quán cấy trà xuân muộn, nên rất phù hợp với thời tiết và khung thời vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo vụ xuân 2013. Lão nông Nguyễn Đăng Định, xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) có hàng chục năm gắn bó với ruộng đồng, nói: "Kinh nghiệm sản xuất lúa nhiều năm cho thấy, những năm ấm không chỉ sâu bệnh nhiều mà lúa còn trỗ sớm, chi phí tăng mà năng suất thấp. Với các giống lúa ngắn ngày, nếu điều kiện đất đai, phân bón hợp lý thì sức sinh trưởng trong một ngày ấm bằng hàng chục ngày rét. Vì vậy, người xưa đã đúc kết kinh nghiệm lúa xuân cần nhất là mạ tốt và ruộng tốt".
Khẩn trương xuống đồng cấy lúa xuân
Thời tiết đầu năm Quý Tỵ 2013 có nhiều tín hiệu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp khi nhiệt độ đang tăng dần, dao động từ 15 đến 20 độ C, rất thích hợp để nông dân xuống đồng làm đất, cấy xuân kịp thời vụ. Theo tổng hợp từ các địa phương, từ trước, trong Tết Nguyên đán, diện tích mạ xuân sinh trưởng, phát triển tốt; diện tích lấy nước qua 2 đợt xả từ hồ thủy điện đã đạt khoảng 80.000ha (chiếm 80% tổng diện tích vụ xuân), một số huyện đã cơ bản hoàn thành như Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Sơn Tây, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai… Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, trong đợt 2 lấy nước (từ ngày 4-2 đến 9-2) từ hồ thủy điện mặc dù là những ngày cận Tết Quý Tỵ nhưng các công ty thủy lợi của thành phố liên tục vận hành trung bình khoảng 300 đến 400 máy bơm/ngày với tổng lưu lượng bơm bình quân 400.000m3/h. Trong những ngày Tết các công ty thủy lợi đều bố trí trực 24/24h để bảo đảm việc lấy nước. Đặc biệt, Công ty Thủy lợi Sông Đáy vẫn tập trung vận hành 11 trạm với 45 máy bơm, trong đó có Trạm bơm dã chiến Bá Giang 18 máy hoạt động cấp nước đổ ải cho nông dân đủ nước cấy xuân.
Để cấy xuân theo đúng lịch thời vụ (các tỉnh phía Bắc xong trước ngày 28-2-2013), Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương xuống đồng ngay sau những ngày nghỉ Tết để làm đất, cấy xuân. Sở NN&PTNT lưu ý các quận, huyện, thị xã ở thời điểm sau Tết trùng với mùa lễ hội cần chỉ đạo các xã, thị trấn tuyệt đối không được xao nhãng nhiệm vụ sản xuất, khẩn trương cấy xuân theo đúng khung thời vụ tốt nhất; các công ty thủy lợi tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện lấy nước đổ ải đợt 3 từ ngày 19-2 đến ngày 24-2-2013 bảo đảm đủ nước cho cấy lúa xuân kịp thời vụ.
Hà Nội đã cấy được 15.000ha Ngày 12-2 (tức 3 Tết Quý Tỵ), Sở NN&PTNT cho biết, toàn thành phố đã cấy được khoảng 15.000ha, chiếm 15% tổng diện tích; diện tích làm đất 65.000ha, đạt 65%. Đối với toàn miền Bắc, theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến ngày 12-2, vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ đã có trên 550.000ha có nước đổ ải, đạt gần 90% diện tích gieo cấy vụ xuân 2013. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi theo dõi, chỉ đạo sát sao tình hình xả nước và lấy nước ở các địa phương nhằm cấp đủ nước cho vụ xuân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.