(HNM) - Văn hóa đọc được hợp thành từ "thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc". Nhưng một cuộc hội thảo khoa học toàn quốc vừa mới diễn ra đã cho thấy sự lung lay nghiêm trọng của cả ba yếu tố này. Trong đó, thói quen đọc đã rơi rụng đáng kể, ngay cả ở bộ phận công chức văn hóa.
Một cuộc điều tra ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, cứ 100 thanh niên (15-30 tuổi) thì có 30 người thường xuyên đọc (sách văn học), số còn lại là thỉnh thoảng, hiếm khi và không bao giờ. Suy ra với thanh niên ở nông thôn và miền núi thì con số "thỉnh thoảng, không bao giờ" sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Cần một ngày hội sách cho người yêu văn hóa đọc. Ảnh: Đàm Duy |
Tệ đến thế ư?
Lâu nay, người ta đã dùng nhiều từ để mô tả về thực trạng văn hóa đọc ở nước ta, như "xuống cấp", "bị phương tiện nghe nhìn chèn ép", "đang chết dần"… Nhưng, những gì cụ thể nhất để hiểu rõ hơn về những nhận định này thì vẻ như lần đầu tiên được nêu rõ ràng và tập trung ở một cuộc trao đổi khoa học toàn quốc do Ban Tuyên giáo TƯ cùng Bộ TT-TT mới tổ chức nhằm hướng tới đề xuất một Ngày đọc sách của Việt Nam để vực dậy tinh thần đọc sách. Nhiều đại biểu dẫn ra ví dụ là con số người đọc ở các thư viện chỉ chiếm 8-10% dân số. Nhưng trong số phần trăm ít ỏi ấy, phần lớn sinh viên đọc sách để đối phó với kỳ thi, chứ chẳng phải mê đắm gì với những con chữ và trang giấy.
Không sử dụng số liệu, nhưng bằng những câu chuyện thực tế, nhà báo, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam (Đài THVN) khiến cho người nghe không khỏi giật mình: "Có cảm giác rằng đang tồn tại một sự tái mù chữ ở một bộ phận công chức văn hóa" và "Bản chất của câu chuyện dường như chính là sự vắng mặt của nhu cầu được tiêu thụ văn hóa, thẩm thấu văn hóa để từ đó nâng tầm cái tôi văn hóa của mỗi cá nhân". Một cuộc điều tra của Đại học Sư phạm Hà Nội trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ có 2% tổng chi phí của gia đình dành cho trẻ em hằng tháng là dùng để mua sách, báo. Thậm chí nhiều phụ huynh không dành khoản "ngân sách" nào cho những món ăn tinh thần này.
Nhưng tình hình không phải chỉ ở ta, sự thu hẹp vị trí của văn hóa đọc có những điểm chung với tình hình thế giới. Các đại biểu tiếp tục đưa ra minh chứng rằng chưa đến 1/3 trẻ em lứa tuổi 13 của Mỹ có hứng thú đọc sách hằng ngày (giảm 14% so với hai thập kỷ trước). Còn ở nước Nga, trên metro ở ngay Thủ đô đã xuất hiện dòng chữ cổ vũ việc đọc "Đọc để học, đọc để làm người", điều mà vài chục năm trước đây không cần vận động.
Chọn sách tại nhà sách Tràng Tiền. Ảnh: Dương Thủy |
"Đói" sách ngay giữa “rừng” sách
Một thực tế những năm gần đây mà không ai có thể phủ nhận rằng con số hơn 20 nghìn tên sách mỗi năm với hơn 200 triệu bản sách là con số trước nay chưa từng có của xuất bản. Tuy nhiên, sách hao hao giống nhau, sách vô bổ, thậm chí gây hại, sách in lậu giết chết người làm sách chân chính vẫn đứng chen lẫn với những tác phẩm thật, tác phẩm giá trị.
Thành ra, độc giả lắm khi ra hiệu sách hoa mắt mà chưa chắc đã chọn được một cuốn tử tế. Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sách và Thương mại Hà Nội cho rằng, có độc giả vẫn rất trân trọng sách, nhưng họ thiếu tác phẩm hay để chọn. Bằng chứng là buổi giao lưu ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại Hiệu sách Thăng Long Hà Nội bắt đầu lúc 9h sáng, nhưng bạn đọc mọi lứa tuổi trong đó cả bà bầu đã có mặt từ 7h sáng, xếp hàng thứ tự, kéo dài hàng trăm mét, trong thời tiết oi bức của mùa hè, để chờ mua sách và giao lưu với tác giả. Tuy nhiên, theo thiển ý người viết, ngoài việc còn ít tác phẩm hay, có một hạn chế lớn khiến việc chọn sách của ta có vấn đề, ấy là khả năng quảng bá chưa tốt. Nhiều tác phẩm thực sự có giá trị vẫn nằm đâu đó rất im ắng. Nhã Nam và nhiều đơn vị làm sách tư nhân dù đã khá nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sách vẫn "kêu" ầm ầm về việc sách tốt tầm cỡ thế giới mà bán được 5.000 bản ở Việt Nam là đã mừng lắm rồi.
Bên cạnh việc chọn sách, kỹ năng đọc cũng là điều còn khá mới mẻ với độc giả nói chung. Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Hà books): tốc độ đọc sách của người dân trên thế giới trung bình ở mức 200-240 từ/phút, nhưng nếu có kỹ năng ta có thể đọc 1.000 từ/phút. Kỹ năng này còn nằm ở khả năng nắm bắt ý chính, khả năng ghi nhớ sâu… Thiết nghĩ có kỹ năng đọc cũng quan trọng không kém việc chọn sách, nó cho phép bạn đọc tiết kiệm được thời gian mà vẫn lĩnh hội được tác phẩm.
Cuối cùng, có nhiều chuyên gia, độc giả đều thấy cần thiết phải có một Ngày sách Việt Nam để vực dậy tinh thần của đọc sách - cũng là tinh thần tôn vinh tri thức. Rất nhiều ý kiến tại cuộc hội thảo nói trên đưa ra các giải pháp ở nhiều tầm mức để cổ vũ sự đọc, nhưng tựu trung ai cũng cho rằng nếu nó không được khởi đầu, được vun đắp từ ngay trong mỗi gia đình thì… giải pháp gì cũng khó!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.