(HNM) - Đã chuẩn bị hết quý I-2019 và Chính phủ đang tập trung, tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; trong đó mục tiêu kiềm chế lạm phát được coi là quan trọng hàng đầu.
Làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa là những biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát.Ảnh: Sơn Hà |
Ba yếu tố bất lợi
Nhìn lại diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng qua có thể thấy, chỉ số giá của hầu hết các nhóm chính khá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ; không đáng lo ngại hay đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy vậy, các yếu tố liên quan, nhất là ba vấn đề bất lợi đã xuất hiện và có thể đe dọa sự ổn định giá cả thị trường, đẩy CPI trong các tháng tới tăng lên.
Cụ thể, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có dấu hiệu lan rộng đến nhiều địa phương và có tính chất “nhảy cóc” tức là không tuần tự qua các tỉnh, thành phố liền kề mà xâm nhập đến địa bàn xã, khó kiểm soát. Thực trạng này tiềm ẩn tình trạng thiếu thịt lợn cục bộ - loại thịt được người dân sử dụng nhiều nhất trong số các loại thực phẩm. Từ đó, có thể đẩy giá một số mặt hàng thực phẩm khác tăng lên và kích đẩy CPI gia tăng.
Về phía người tiêu dùng có thể thấy, dù thu nhập ổn định nhưng hầu hết các gia đình đang đứng trước thực tế phải chi tiêu nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Na, ở 23 Bà Triệu (Hà Nội) cho biết, nhìn chung tình hình giá cả sinh hoạt tuy chưa có sự thay đổi đột biến nhưng do mức tiêu thụ thịt lợn đã giảm vì bệnh dịch nên nhu cầu đối với một số thực phẩm thay thế như thủy sản, thịt bò... có xu hướng tăng và có biểu hiện tăng giá.
Bên cạnh đó, xu thế tăng giá xăng dầu đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng lưu ý, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới đây (ngày 18-3), liên bộ Công Thương - Tài chính đã phải tiếp tục can thiệp bằng cách chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/lít xăng dầu để ngăn chặn khả năng tăng giá bán lẻ của xăng dầu trên thị trường trong nước. Song, vấn đề đặt ra là Quỹ này dù được xác định là một công cụ hỗ trợ nhưng số vốn chỉ là hữu hạn, cũng không thể thường xuyên huy động để bù đắp cho doanh nghiệp mỗi khi giá xăng dầu nhập khẩu gia tăng. Chính vì vậy, việc giá xăng dầu có thể tăng trong các kỳ điều chỉnh giá tiếp theo hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ; đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành, hài hòa lợi ích giữa các bên của ngành chức năng...
Sau cùng, việc tăng giá điện ở mức 8,36% vừa qua sẽ gây áp lực, tác động đến CPI trong tháng này cũng như các tháng sau. Theo tính toán của Bộ Công Thương, việc tăng giá điện nói trên sẽ làm cho CPI tăng thêm 0,29-0,31% và là hiệu ứng đương nhiên do tác động rộng lớn của giá điện đối với đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cần sự chủ động, linh hoạt của các cấp điều hành
Thực tế phân tích ở trên mới chỉ là nhận định ban đầu, bởi năm nay vẫn còn 3 quý ở phía trước, đòi hỏi sự chủ động kiềm chế đà tăng giá qua từng tháng, từng quý. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các cấp, địa phương tập trung khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi bên cạnh việc bình ổn giá xăng dầu một cách phù hợp, trong đó có ưu tiên chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nếu giá nhập khẩu tăng.
Riêng trường hợp tăng giá điện, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, việc dự báo về ảnh hưởng của giá điện đối với CPI đã được tính đến trong hoạt động phân tích, dự báo và tính toán của các cơ quan quản lý. Trong đó, việc tăng giá điện vẫn trong khả năng điều chỉnh, khống chế để CPI không tăng quá 4%.
Về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các cấp quản lý cần quan tâm, tạo điều kiện để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng năng lượng, bảo đảm vận hành thị trường điện cạnh tranh, hài hòa lợi ích các bên, nhất là khách hàng tiêu thụ điện. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, thực hành tiết kiệm và quản lý tốt giá cả thị trường; tránh tâm lý tự “tăng giá theo giá điện” hoặc “té nước theo mưa” để trục lợi.
Theo ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương), mục tiêu kiềm chế lạm phát là vấn đề quan trọng hàng đầu trong năm kế hoạch 2019, đòi hỏi sự theo dõi sát sao, điều hành hiệu quả từ cấp vĩ mô đến từng địa phương. Song, các cấp, ngành cần thống nhất cách hiểu, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng (GDP) cao thì áp lực lạm phát cũng sẽ tỷ lệ thuận theo. Vì vậy, dung hòa được hai mục tiêu này, đáp ứng khả năng tăng trưởng nhanh nhưng vẫn có thể giữ lạm phát ở mức hợp lý (không quá 4%) là mục tiêu không dễ dàng, đòi hỏi sự chủ động, tỉnh táo, linh hoạt của các cấp điều hành; đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời, phối hợp chặt chẽ của liên bộ Công Thương - Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Thực tế cho thấy, về nguyên tắc, khống chế lạm phát luôn cần đến một số giải pháp căn cơ, có tác động trên diện rộng. Đó là, làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa và hoạt động phân phối lưu thông, tinh thần ưu tiên sử dụng hàng nội, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.