Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực hỗ trợ người lao động mất việc làm

Tuệ An - Thành Khôi| 09/11/2022 07:14

(HNM) - Thời điểm cuối năm 2022, một số ít doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ hết đơn hàng, buộc phải cho người lao động nghỉ việc hoặc giảm giờ làm ngay trước dịp Tết Nguyên đán. Trước thực trạng này, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đang cùng doanh nghiệp nỗ lực trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Một phiên kết nối cung - cầu nhân lực giữa doanh nghiệp và người lao động tại Sàn giao dịch việc làm quận 11 (thành phố Hồ Chí Minh).

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn

Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 1.200 lao động của Công ty TNHH Tỷ Hùng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu (đóng tại phường An Lạc, quận Bình Tân, 100% vốn nước ngoài) sẽ phải thôi việc từ ngày 1-12-2022 do công ty không có đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất. Đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi chưa có đơn hàng mới, nên chỉ có thể duy trì lượng nhân viên tối thiểu từ đầu năm 2023. Công ty sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp với những người phải nghỉ việc”.

Tại tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) cũng trong tình trạng giảm đơn hàng từ mấy tháng qua. Công ty đang thực hiện nốt các đơn hàng cho tháng 11, còn tháng 12-2022 chưa có đơn hàng mới. Ông Nguyễn Đình Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cho biết, doanh nghiệp có 15.000 lao động. Hiện tổ chức Công đoàn và ban lãnh đạo đang bàn bạc tìm cách khắc phục khó khăn theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giãn giờ làm để duy trì lực lượng lao động cho năm tới.

Theo Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngành điện tử, cơ khí tỉnh Đồng Nai, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này phản ánh tình trạng đơn hàng từ quý III-2022 đến nay giảm 20-30% do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, có 28.000 lao động bị ngưng việc. Số lao động bị giảm việc khoảng 240.000 người, dẫn tới giảm thu nhập.

Còn theo Công đoàn cơ sở Khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến gần 6.000 lao động. Anh Lương Vũ Khánh, công nhân Công ty THHH Tỷ Hùng chia sẻ: “Vẫn biết công ty phải ngưng hoạt động là trường hợp bất khả kháng, nhưng chúng tôi vẫn rất buồn vì phải chia tay công việc gắn bó lâu nay đúng dịp năm hết, Tết đến”.

Những trợ giúp thiết thực

Số công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh phải nghỉ việc dịp này là không nhiều so với tổng số công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố (khoảng 280.000 người). Để giúp công nhân sớm ổn định cuộc sống, các ngành, các cấp đã ngay lập tức triển khai những nội dung trợ giúp thiết thực.

Với gần 1.200 công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng, doanh nghiệp sẽ chi trả trợ cấp 2 tháng lương cho những người phải nghỉ việc. Những lao động có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định. Công ty cũng sẽ chi tiền lương tháng 11 và thưởng năm 2022 vào ngày 8-12 (mức thưởng 1 tháng lương). Về phía Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, cơ quan này sẽ hỗ trợ mỗi người lao động 500.000 đồng và Công đoàn cơ sở công ty cũng sẽ hỗ trợ mỗi người suất quà trị giá 500.000 đồng.

Chị Lương Thu Cúc, công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã rất lo lắng vì phải nghỉ việc khi cận Tết. Tuy nhiên, những trợ giúp của các cấp, các ngành và nỗ lực của công ty đã giúp chúng tôi yên tâm hơn. Tôi mong sớm có việc làm mới để ổn định cuộc sống”.

Đồng cảm với khó khăn của công nhân phải nghỉ việc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giải quyết việc làm tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để có phương án kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với những lao động vừa phải nghỉ việc, nhanh chóng tạo việc làm phù hợp cho người lao động.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng đang tính toán áp dụng phương án cho người lao động có nhiều ngày nghỉ hơn trong tuần, trong tháng để giãn việc, bảo đảm ai cũng có việc làm. Doanh nghiệp và các cấp công đoàn nỗ lực không cắt giảm lao động; giữ nguyên chế độ phúc lợi để giữ chân công nhân.

Đơn cử, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Longwell (huyện Thống Nhất) Hỏa Thị Phương Nhi cho biết, do đơn hàng giảm từ tháng 8-2022, nên doanh nghiệp đã cho người lao động nghỉ phép 5 ngày/tháng, nhưng vẫn trả 100% lương. Công đoàn đang thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp duy trì mức thưởng Tết hợp lý cho người lao động.

Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Kim Loan cho biết, cơ quan này sẽ trích 40 tỷ đồng và đề nghị UBND tỉnh trích quỹ 25 tỷ đồng; cùng với đó vận động các cấp, các ngành chung tay chăm lo cho người lao động dịp cuối năm...

Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, Tổng Liên đoàn đã phát động chương trình "Tết sum vầy - Xuân gắn kết" và các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2023 đến các cấp công đoàn để cùng hướng về người lao động; yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường phối hợp với cơ quan hữu quan giúp người lao động bị mất việc làm sớm tìm được công việc mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực hỗ trợ người lao động mất việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.