Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực hỗ trợ người lao động

Nguyễn Ðức| 17/09/2022 15:11

(HNNN) - Hà Nội có lượng lao động nhập cư rất lớn, nhưng giá nhà đất cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nên người lao động không dễ dành dụm để mua cho mình một mái ấm đúng nghĩa. Với vai trò của mình, Liên đoàn Lao động thành phố đã, đang và sẽ làm gì để hỗ trợ lao động, người có thu nhập thấp “an cư, lạc nghiệp”? Phóng viên Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Ông Lê Đình Hùng.

- Xin ông cho biết về tình hình công nhân, lao động làm việc trên địa bàn thành phố hiện nay? Thành phố đã có sự quan tâm, chăm sóc thế nào với đoàn viên, công đoàn, đặc biệt là trong thời gian khó khăn do dịch bệnh vừa qua?

- Hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố với tổng số 9.453 Công đoàn cơ sở và 633.810 đoàn viên. Các cấp Công đoàn luôn nắm bắt tình hình tư tưởng và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh của công nhân, viên chức, người lao động; quan tâm chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian khó khăn do dịch bệnh vừa qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành 83 văn bản chỉ đạo các cấp, Công đoàn Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn tham gia trong hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Liên đoàn Lao động thành phố được kiện toàn, tập trung chỉ đạo hoạt động của 5 tổ công tác và “Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” nhằm cùng các doanh nghiệp, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ kép - vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Một trong các hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn Thủ đô là chỉ đạo các doanh nghiệp thành lập “Tổ an toàn Covid-19”. Trên địa bàn thành phố đã có 4.342 doanh nghiệp thành lập “Tổ an toàn Covid-19” với 11.536 tổ và 50.709 người tham gia. Các Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ an toàn Covid-19”. Đã có 743 điểm “Vùng xanh doanh nghiệp” được phê duyệt phương án “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”. Liên đoàn Lao động Thành phố cũng triển khai các mô hình: “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, trao “Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hỗ trợ người lao động, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch và ủng hộ “Quỹ vắc xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19”; hỗ trợ hoạt động “Tổ an toàn Covid-19”, “Túi An sinh Công đoàn”... với số tiền hơn 89,9 tỷ đồng cho 148.245 đoàn viên, người lao động và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ an toàn Covid-19”. Công đoàn cấp trên trực tiếp phối hợp với chính quyền và công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà từ 30% - 100% cho người lao động với tổng số tiền miễn giảm lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp Công đoàn đã dành nguồn ngân sách trên 200 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động thông qua chương trình “Tết sum vầy”; hỗ trợ phương tiện đưa người lao động về quê; thăm, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn...

Liên đoàn Lao động thành phố tặng quà công nhân lao động qua mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”.

- Hà Nội có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lượng lao động nhập cư rất lớn. Tuy nhiên, tại Thủ đô, giá nhà đất cao, người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà để an cư, lạc nghiệp. Việc thuê nhà ở quanh nơi làm việc cũng phát sinh những vấn đề xã hội có thể gây bất lợi cho người lao động. Liên đoàn Lao động thành phố đã, đang có biện pháp hỗ trợ như thế nào cho đoàn viên, người lao động?

- Hà Nội hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động. Riêng 9 khu công nghiệp trên địa bàn thu hút 164.957 người lao động, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (hơn 60%), thu nhập bình quân từ 5,5 triệu đến hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, phần lớn phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, mức giá thuê trọ cao...

Để hỗ trợ người lao động trên địa bàn thành phố nói chung và tại các khu công nghiệp và khu chế xuất nói riêng, các cấp Công đoàn Thủ đô đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động. Cụ thể là: Duy trì hoạt động của 35 cụm văn hóa - thể thao, phối hợp với Công an thành phố Hà Nội thành lập 92 tổ “Tự quản các khu nhà trọ công nhân”, 53 điểm “Sinh hoạt văn hóa công nhân” để đảm bảo quyền lợi, an sinh xã hội cho công nhân, người lao động thuê nhà tại các khu vực quanh khu công nghiệp. Liên đoàn Lao động Thành phố ký chương trình phối hợp với UBND các quận, huyện có nhiều khu công nghiệp để đảm bảo an ninh tại các khu trọ của công nhân; chủ động làm việc với các chủ trọ để đàm phán giá, hỗ trợ giá thuê trọ cho người lao động; đàm phán với chủ doanh nghiệp hỗ trợ một phần tiền thuê trọ cho người lao động hoặc hỗ trợ xe đưa đón người lao động ở xa...

- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2030 xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Liên đoàn Lao động thành phố có giải pháp, kiến nghị gì để cùng các ban, ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ này?

- Vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng. Những năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố đều tổ chức khảo sát và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đoàn viên, công đoàn có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội tiến hành phát phiếu khảo sát 56.845/145.989 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp về thực trạng và nhu cầu thuê, mua nhà ở.

Căn cứ vào kết quả khảo sát và thực trạng đời sống khó khăn của công nhân lao động, Liên đoàn kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan (Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc...) tiếp tục nghiên cứu, tham mưu theo nhiệm vụ chuyên môn với UBND Thành phố để đầu tư xây dựng, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Liên đoàn cũng kiến nghị thành phố tiếp tục có kế hoạch xây dựng nhà ở để bán cho công nhân với giá ưu đãi; tiếp tục rà soát, thống kê nhu cầu nhà ở của người lao động để có các chính sách ưu tiên, ưu đãi thuê, mua nhà giá rẻ để người lao động yên tâm làm việc; dành quỹ đất gần các khu công nghiệp và khu chế xuất để xây dựng nhà ở, trường mầm non, trạm y tế, công trình vui chơi giải trí cho công nhân lao động và con em họ. Liên đoàn Lao động thành phố cũng tham gia vào Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội của thành phố để đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp cũng như đoàn viên có thu nhập thấp; đảm bảo đúng, trúng đối tượng được hưởng trợ cấp về nhà ở theo quy định.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực hỗ trợ người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.