(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh có 2 đội bóng đang chơi tại V-League là Câu lạc bộ (CLB) thành phố Hồ Chí Minh và CLB Sài Gòn (Saigon FC). Tuy nhiên, cả 2 CLB đang đối diện với nhiều khó khăn, thứ hạng thấp. Thành phố đang tìm nhiều cơ chế để hỗ trợ, nâng cao thành tích cho 2 CLB.
Đối mặt nhiều khó khăn
Sau vòng đấu 13 của V-League diễn ra hôm 20-8 vừa qua, CLB thành phố Hồ Chí Minh đã chiến thắng chính CLB đồng hương để vươn lên vị trí 13/15 đội trong bảng xếp hạng. Còn với trận thua này, Saigon FC xếp cuối bảng xếp hạng, trong bối cảnh mùa giải V-League đã đi được nửa chặng đường.
“Chúng tôi tạm thoát khỏi vị trí áp chót. Hiện trận đấu nào của CLB thành phố Hồ Chí Minh cũng là trận chung kết”, Chủ tịch kiêm Huấn luyện viên (HLV) trưởng Nguyễn Hữu Thắng của CLB thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ. Còn với Saigon FC, cuộc “khủng hoảng” HLV, cầu thủ, cơ sở vật chất và nhiều vấn đề khác của đội bóng vẫn chưa kết thúc.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thành phố Hồ Chí Minh (HFF) Trần Anh Tú, cả 2 đội bóng chuyên nghiệp của thành phố đều không sử dụng ngân sách mà dùng các nguồn tài chính tư nhân để hoạt động lâu nay. Nhưng nếu xét theo 5 quy chuẩn của một đội bóng đá chuyên nghiệp mà Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quy định, cả 2 đội bóng của thành phố đều gặp những vấn đề không dễ giải quyết.
Thứ nhất, về tiêu chí thể thao (đào tạo trẻ), cả 2 CLB đều không có hệ thống đào tạo trẻ đạt chuẩn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong những nguyên nhân lớn (và cũng là quy chuẩn thứ 2 của AFC) mà 2 đội còn thiếu là không có sân tập thường xuyên cho cả đội chính và các đội trẻ. Tiêu chí thứ 3 là nguồn nhân lực, hiện 2 đội rất khó khăn khi tìm cầu thủ. Tiêu chí thứ tư là các vấn đề pháp lý, liên quan đến sở hữu, quản lý của CLB về cơ sở vật chất, nguồn lực đào tạo… Với tiêu chí thứ 5 là tài chính, cả 2 CLB đều có nhà tài trợ, nhưng nguồn tiền chưa dư giả…
“Hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của thành phố Hồ Chí Minh đang có vấn đề, nên bóng đá thành phố chưa tìm lại được những hào quang xưa. Gần đây, HHF đã phối hợp với đối tác Pháp trong đào tạo trẻ và gặt hái được một số thành công bước đầu. Đây là việc không thể một sớm một chiều, nhưng HFF sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu; phối hợp với 2 CLB đề xuất các giải pháp để các cấp, các ngành xem xét, giúp đỡ để bóng đá thành phố phát triển hơn nữa”, ông Trần Anh Tú nói.
Từng bước gỡ khó
Về sân bãi phục vụ đào tạo cầu thủ trẻ và là nơi tập luyện cho đội chính, cả 2 CLB cùng các nhà tài trợ và các cấp các ngành của thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp nỗ lực giải quyết. Hiện Trung tâm Thể dục - Thể thao quận 7 đã được chọn là nơi đặt sân tập và huấn luyện của CLB thành phố Hồ Chí Minh. Còn Saigon FC đã tiếp quản hệ thống sân bóng Thành Long nổi tiếng một thời để làm “đại bản doanh” của mình. “Các cơ quan chuyên môn đang giúp 2 CLB hoàn tất thủ tục pháp lý để quản lý và phát triển hệ thống sân bãi này”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nói.
Về đào tạo các lứa cầu thủ trẻ, ngoài sự chủ động của 2 CLB, ngành Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đang tạo nhiều điều kiện để các thành phần kinh tế cùng tham gia lĩnh vực này.
“Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chuyên môn của thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, nên đã phát triển được hệ thống các sân tập khắp thành phố, thu hút hàng nghìn trẻ em nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện bóng đá. Chúng tôi mong góp được phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của bóng đá thành phố”, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Học viện Bóng đá VietGoal nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.