(HNM) - Nếu không xuất hiện các đợt mưa lớn, mực nước các sông, hồ không được cải thiện… thì nhiều khả năng hàng nghìn héc ta lúa vụ xuân của thành phố Hà Nội sẽ bị thiếu nước tưới dưỡng.
Nhân viên Cụm thủy nông An Mỹ vận hành Trạm bơm Đức Môn cấp nước tưới dưỡng lúa xuân của huyện Mỹ Đức. |
Nhiều nguy cơ thiếu nước
Vụ xuân năm nay, huyện Mỹ Đức gieo cấy 7.519ha lúa, trong đó có hơn 850ha của 5 xã Tuy Lai, Hồng Sơn, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Phù Lưu Tế phụ thuộc hoàn toàn nguồn nước hồ Quan Sơn. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay trên địa bàn huyện Mỹ Đức không xuất hiện mưa lớn, nguồn sinh thủy hồ Quan Sơn ngày càng suy giảm. “Hiện mực nước hồ Quan Sơn đang đạt cao trình trung bình 4,2m, cách mực nước chết 1m, chỉ đủ cấp nước cho khoảng 500ha trong một đợt tưới dưỡng lúa xuân trong tháng 3 tại các xã trên”, ông Đoàn Văn Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức bày tỏ lo ngại.
Theo tính toán của ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy), nếu từ nay đến tháng 5-2019, trên địa bàn thành phố không xuất hiện các trận mưa lớn, mực nước sông, hồ tiếp tục bị hạ thấp… thì nhiều khả năng trong vùng phục vụ của công ty sẽ có hơn 6.000ha lúa xuân thuộc địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ… bị thiếu nước tưới dưỡng. Tương tự tình huống trên, trong vùng phục vụ của Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích sẽ có khoảng 2.000ha; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ có khoảng 8.500ha lúa xuân bị thiếu nước tưới dưỡng…
Phó Trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, đến thời điểm này, 5 công ty thủy lợi của thành phố đã cấp đủ nước tưới dưỡng đợt 1 cho 91.242ha lúa xuân. Trong điều kiện thời tiết bình thường, từ nay đến tháng 5-2019, các công ty thủy lợi của thành phố sẽ cấp thêm từ 4 đến 5 đợt nước tưới dưỡng cho cây lúa xuân. Về nguồn nước, 65% diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội phụ thuộc sông Hồng, 35% diện tích phụ thuộc các hồ thủy lợi nội địa. Tuy nhiên, từ tháng 1-2019 đến nay, tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố chỉ đạt 17,7mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 29mm. Do thiếu nguồn sinh thủy và sử dụng một phần phục vụ gieo cấy lúa xuân nên hiện nay 13 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn thành phố chỉ còn 110 triệu mét khối, giảm hơn 43 triệu mét khối so với tổng khối lượng trữ trước thời kỳ đổ ải. Sau 3 đợt xả bổ sung từ các hồ thủy điện, mực nước sông Hồng hiện nay tại Trạm thủy văn Long Biên phổ biến đạt dưới 1,5m, không đủ cao trình vận hành các trạm bơm: Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa, Xuân Phú, Thanh Điềm, Ấp Bắc…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 3 đến tháng 8-2019, tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Vì thế, mực nước trên các sông và hạ du sông Hồng sẽ bị thiếu hụt 30-40% trong tháng 3 và 4-2019...
Chủ động các giải pháp ứng phó
Để bảo đảm đủ nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết đã đề nghị các quận, huyện, thị xã thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cấp nước cho diện tích sản xuất vụ xuân. Các huyện có nhiều diện tích xa nguồn nước, địa hình cao như Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh… cần xác định cụ thể vùng khó khăn để đưa ra các giải pháp chống hạn sát thực tế khả năng cấp nước của hệ thống thủy lợi… Các công ty thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành tối đa trạm bơm dã chiến ven các sông Đà, Hồng, Đuống, Nhuệ, Đáy… khi mực nước đủ điều kiện khai thác để tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao hồ; đồng thời, thực hiện giải pháp giữ nước, chống rò rỉ, thất thoát, sử dụng tiết kiệm nước…
Thực hiện chỉ đạo trên, các quận, huyện, thị xã và công ty thủy lợi đang tập trung kiểm tra đồng ruộng, tiếp tục vận hành các trạm bơm dã chiến lấy nước phục vụ tưới dưỡng lúa xuân… Ông Trần Anh Tuấn cho biết, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy đã yêu cầu các xí nghiệp thủy lợi vận hành tối đa 4 trạm bơm tưới ven sông Đáy: Đức Môn, Áng Thượng, Tân Độ, dã chiến Đại Nghĩa để cấp nước cho những diện tích nằm trong khu vực phục vụ của công trình và bổ sung nguồn thiếu hụt của hồ thủy lợi Quan Sơn. Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ và La Khê tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời báo cáo công ty để cân bằng nguồn nước sông Đáy lấy từ sông Hồng qua trạm bơm Đan Hoài, dã chiến Bá Giang…
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích đang tập trung nạo vét để hạ thấp, mở rộng cửa khẩu dẫn dòng cho các trạm bơm Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa… hoạt động. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ tiếp tục duy trì hoạt động các trạm bơm Hồng Vân, Thụy Phú I, Thụy Phú II, chuẩn bị lắp đặt trạm bơm dã chiến Quang Lãng bổ sung lưu lượng, cải thiện chất lượng nước sông Nhuệ…
Để chủ động hơn trong công tác chống hạn vụ xuân những năm tiếp theo, các quận, huyện, thị xã và công ty thủy lợi đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất thành phố sớm đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi thuộc các trạm bơm: Đức Môn, Áng Thượng, Tân Độ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng trạm bơm Liên Mạc, Phù Sa; nạo vét lòng dẫn sông Đáy, lòng hồ Quan Sơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.