Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tín hiệu tích cực

Thùy Dương| 10/02/2015 06:14

(HNM) - Thời hạn mới cho các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran là hết tháng 6, nhưng bên lề Hội nghị an ninh Munich vừa kết thúc ngày 8-2 tại Đức, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có hai cuộc gặp với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) . Ảnh: Reuters



Cuộc gặp cấp Ngoại trưởng Mỹ - Iran nằm trong nỗ lực của Mỹ và các cường quốc muốn đạt được một thỏa thuận khung vào cuối tháng 3 tới, trước khi ký kết một thỏa thuận toàn diện vào thời hạn cuối cùng là ngày 30-6. Chi tiết cuộc thảo luận kéo dài khoảng 90 phút của hai nhà ngoại giao chưa được công bố. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Iran Zarif cho rằng việc tiếp tục kéo dài thời hạn đàm phán hạt nhân là vô ích và không có lợi cho bất kỳ ai. Trong khi Ngoại trưởng J.Kerry đã nhấn mạnh với người đồng cấp Iran việc Washington muốn đạt được thỏa thuận với Tehran về khung chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này theo đúng thời hạn cam kết vào cuối tháng 3.

Dù chưa có thông tin chính thức nào liên quan đến cuộc đối thoại được tiết lộ nhưng việc hai ngoại trưởng Mỹ và Iran nhất trí gặp gỡ đã hứa hẹn những tín hiệu lạc quan. Dường như hai thành viên chủ chốt đã sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán đến một kết thúc tốt đẹp. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp, nếu hồ sơ Iran được giải quyết sẽ mang lại lợi ích cho cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ nỗ lực nào từ hai quốc gia để hợp tác về một thỏa thuận hòa bình ở Syria hoặc để giải quyết những mối đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đặc biệt khi Tehran và Damascus được xem là tác nhân chủ chốt trong cuộc chiến chống IS. Bởi thế, việc phá bỏ bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa các nước P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cộng với Đức) và Iran là có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực tiễu trừ lực lượng khủng bố tàn bạo này. Thiện chí nhằm đẩy nhanh tốc độ đàm phán cho một thỏa thuận khung đã được thể hiện rõ trong cuộc gặp tay đôi bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) khi cả Mỹ và Iran đều có những nhượng bộ. Cụ thể, hai bên đã tiến gần hơn tới một thỏa thuận cho phép Tehran được giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu hạt nhân. Nhưng số thanh nhiên liệu này sẽ được tái chế để giảm bớt lượng urani làm giàu xuống mức không thể chế tạo bom hạt nhân. Đây được coi là một sự thỏa hiệp lớn của Mỹ nhằm phá vỡ thế bế tắc với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận khung vào cuối tháng 3 tới, trước hạn chót 3 tháng để Iran và nhóm P5+1 bước vào thương lượng các điều khoản chi tiết. Thỏa thuận đang thương lượng cũng bao gồm các điều khoản mà theo đó các hoạt động hạt nhân của Iran sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Chính quyền của Tổng thống H.Rouhani cũng phải cam kết sẽ chuyển ra nước ngoài số thanh nhiên liệu hạt nhân còn lại, dự tính khoảng 4.000 đơn vị. Trước đó, trong các cuộc thảo luận tháng 11-2014, Mỹ và P5+1 ngả theo hướng chỉ cho phép Iran giữ lại tối đa 4.500 thanh nhiên liệu hạt nhân. Đổi lại, Tehran cam kết sẽ sử dụng ảnh hưởng để cùng Mỹ thiết lập ổn định tại Iraq, Afghanistan và Syria.

Theo các nhà phân tích, sự nhượng bộ của chính quyền Tổng thống B.Obama nhiều khả năng sẽ gây ra các cuộc tranh cãi lớn tại Quốc hội, nơi mà các nghị sĩ của đảng Cộng hòa đang có ý định thông qua một dự luật áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran. Giới lập pháp Mỹ hiện đã hoàn tất bản dự thảo và Thượng viện dự kiến đưa ra bỏ phiếu trước khi vòng đàm phán giữa Iran và P5+1 kết thúc vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, Tổng thống B.Obama đã nhiều lần lên tiếng phản đối và tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết dự luật trên khi các cuộc đàm phán với Iran đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Trên thực tế, nếu người đứng đầu nước Mỹ đạt được một thỏa thuận lịch sử với Iran thì đây không chỉ là một di sản ngoại giao trước khi Tổng thống B.Obama rời Nhà Trắng mà còn tạo cơ may lớn cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Mặc dù lợi ích mang lại từ việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran là rất lớn song hiện nay vẫn còn nhiều điểm có thể khiến nỗ lực này bị trì hoãn. Vấn đề lớn nhất là phải thuyết phục được các nhân vật cứng rắn trong Quốc hội Mỹ, những người vốn có nhiều định kiến với Iran; đồng ý với kế hoạch hủy bỏ lệnh trừng phạt. Thứ nữa là cần đạt được một sự đồng thuận về mức độ làm giàu urani của Iran mà nước này vẫn quả quyết rằng họ không bao giờ nhượng bộ. Vì vậy, thời hạn về một thỏa thuận khung nhằm tiến tới một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân Iran không còn nhiều trong khi vẫn tồn tại nhiều rào cản phải vượt qua. Dẫu vậy, đã có những tín hiệu tích cực được phát đi và cộng đồng quốc tế đang mong đợi những chỉ báo đáng kể hơn nữa nhằm khép lại cuộc khủng hoảng dai dẳng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những tín hiệu tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.