Chuyên gia cho rằng, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại thời điểm hiện nay là cần thiết, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.
Đáp ứng nhiều mục tiêu
Tại Kỳ họp thứ sáu (ngày 25-11-2009), Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các bước đầu tư xây dựng dự án.
Tuy nhiên, đến tháng 11-2016, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và thực hiện bảo đảm yếu tố an toàn cho nhà máy điện hạt nhân trên thế giới lúc bấy giờ, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đến nay, trước bối cảnh nền kinh tế - xã hội toàn cầu có nhiều biến động, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao, mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Chính phủ khẳng định là hết sức cấp thiết, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững.
Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tình hình đất nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, thế giới cũng đang có sự phát triển về điện hạt nhân. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới và tình hình hiện nay của Việt Nam.
Cụ thể, điện hạt nhân hiện được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng. Tính đến cuối tháng 8-2024, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe. Bên cạnh 32 quốc gia đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Trong khi đó, thông tin từ Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80 GW, cần thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400-500 GW đến năm 2050. Do đó, việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Nguồn điện này cũng sẽ giúp đáp ứng nhiệm vụ “kép” vừa cung cấp điện nền vừa bảo đảm môi trường. Năm 2022, Nghị viện châu Âu đã đưa điện hạt nhân là nguồn điện xanh và bền vững, được tiếp cận thị trường tài chính xanh. Ngoài ra, chi phí sản xuất điện trung bình của điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác, nhất là nguồn nhiệt điện than và nguồn LNG với giá nhiên liệu tăng dần.
“Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân giai đoạn tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, trung hòa carbon theo cam kết tại COP 26” - ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.
Sớm tái khởi động chương trình đào tạo nhân lực
Chiều 27-11, trình Quốc hội về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2009, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án và đã hợp tác với phía Nga (Dự án Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (Dự án Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Các địa điểm được lựa chọn đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Do đó, việc sử dụng các địa điểm đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm.
Liên quan đến tính an toàn của điện hạt nhân, nhất là sau những sự cố tại nhà máy Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành thông tin, trên thế giới có hơn 415 tổ máy đang vận hành và 62 tổ máy (lò) đang được xây dựng, tất cả đều đáp ứng các yêu cầu an toàn khắt khe nhất được đưa ra sau sự cố Fukushima.
Do điện hạt nhân liên quan đến nhiều lĩnh vực như vật lý hạt nhân, cơ học dòng chảy, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa học, đo lường điều khiển, vật liệu thép, hợp kim… nên theo ông Thành, nếu Việt Nam phát triển thành công điện hạt nhân không những giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần đưa khoa học công nghệ, công nghiệp của đất nước phát triển lên tầm cao mới.
Theo chuyên gia này, với việc tái khởi động dự án, cần sớm tái khởi động chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân để đáp ứng yêu cầu bởi điện hạt nhân là lĩnh vực khó và đa ngành, đòi hỏi trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Từ khâu thiết kế đến kỹ thuật, công nghệ, hay xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa công trình vào kết nối, vận hành, và cả nhiệm vụ xây dựng hạ tầng pháp quy hạt nhân đều cần những chuyên gia xuất sắc. Việc nghiên cứu để nắm rõ công nghệ, an toàn hạt nhân cũng là những nhiệm vụ đòi hỏi thời gian dài mới có năng lực tốt và chuyên gia giỏi.
“Trước đây, Chính phủ đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân. Đã có hàng trăm cán bộ, sinh viên được đào tạo chuyên ngành dài hạn ở Nga, và tập huấn ngắn hạn ở Nhật Bản, Pháp, Hungary… nhằm chuẩn bị một đội ngũ chuyên môn bước đầu đủ về số lượng cần thiết có thể tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Riêng Nhật Bản đã bắt đầu đào tạo cho EVN một đội ngũ cán bộ khung của nhà máy Ninh Thuận số 2. Nhiều người trong số đó được tiếp tục đào tạo để trở thành những cán bộ đủ năng lực tham gia trực tiếp phục vụ xây dựng và vận hành hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận (nếu dự án không dừng lại)”, ông Trần Chí Thành nêu.
Do đó, khi tái khởi động lại dự án cần tập hợp nhân lực đã được đào tạo để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung, nâng cao; đào tạo tiếp các cán bộ, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và ngắn hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.