(HNM) - Tại phía Nam, việc nhiều bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật không chỉ góp phần nâng cao chất lượng điều trị mà còn làm giảm số bệnh nhân phải ra nước ngoài chữa bệnh...
Ghép tế bào gốc không cùng huyết thống
Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TP Hồ Chí Minh) vừa công bố thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân là anh Q.Đ.A (sinh năm 1992 tại Cà Mau) mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào. Muốn cứu chữa cho Q.Đ.A nhưng bệnh viện không tìm được người cho tế bào gốc có cùng huyết thống. Được sự giúp đỡ từ Trung tâm Tzu Chi ở Đài Loan, Trung Quốc, một người đã đồng ý hiến tế bào gốc phù hợp với anh. Ngày 20-9-2017, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã thực hiện ca cấy ghép tế bào gốc được cung cấp từ Trung tâm Tzu Chi. Sau 2 tháng cấy ghép tế bào gốc tạo máu từ ngoại vi, cơ thể anh Q.Đ.A đáp ứng tốt điều trị, sức khỏe ổn định, mọi kết quả xét nghiệm đều diễn tiến tốt sau khi cấy ghép. Bác sĩ Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho biết: “Ghép tế bào gốc tạo máu từ ngoại vi là một bước tiến quan trọng trong điều trị các căn bệnh huyết học. Thời gian tới, sẽ có nhiều người bệnh được chữa khỏi dù không tìm được người cho tế bào gốc có cùng huyết thống”.
Ứng dụng này đã mở ra cánh cửa mới trong điều trị, giúp người dân không còn phải ra nước ngoài chữa trị. Trước đây, việc áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc gặp khó khăn đó là nhiều trường hợp người thân hiến tế bào gốc nhưng chỉ số kháng nguyên bạch cầu người (HLA) lại không phù hợp, dẫn đến hiện tượng thải bỏ mô ghép. Trong khi Việt Nam chưa có ngân hàng hiến tế bào gốc nên nhiều bệnh nhân không được cứu chữa, một số người có điều kiện thì phải ra nước ngoài chữa bệnh, một số người khó khăn thì phải chấp nhận sống chung với bệnh đến khi qua đời. Chi phí ghép tế bào gốc hiện nay ở trong nước chỉ bằng 1/10 so với Singapore, 1/5 so với Đài Loan.
Phẫu thuật với robot hiện đại
Đến thời điểm này 2 bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh là Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa robot về Việt Nam để hỗ trợ phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân là người trưởng thành. Trong đó, máy robot phẫu thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy là dòng hiện đại nhất, được nhập về cuối tháng 10-2017 với giá 71 tỷ đồng. Robot này có bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D. Với góc mổ này, không cánh tay người nào có thể thực hiện được, vì thế việc phẫu thuật nội soi bằng robot có tỷ lệ thành công cao nhờ có độ phóng đại lớn, hoạt động cánh tay máy tự do trong ổ bụng, có thể thao tác ở những vị trí sâu trong cơ thể.
Phẫu thuật nội soi bằng robot có nhiều ưu điểm như bóc tách khối u nhanh chóng và triệt để, nâng cao tính thẩm mỹ nhờ vết mổ nhỏ, và giảm tỷ lệ mất máu... Bệnh viện Bình Dân là một ví dụ điển hình chứng minh ưu điểm của phẫu thuật với robot hỗ trợ. Từ năm 2016, Bệnh viện Bình Dân là đơn vị đầu tiên của cả nước được Bộ Y tế cho phép ứng dụng công nghệ robot trong phẫu thuật nội soi. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, tròn 1 năm triển khai, nơi đây đã thực hiện phẫu thuật robot rộng khắp danh mục 14 mặt bệnh được Bộ Y tế cấp phép, xây dựng 14 ê kíp phẫu thuật robot, thực hiện 222 ca phẫu thuật, chủ yếu cho người bệnh ung thư với kết quả điều trị tốt.
Phẫu thuật với robot hỗ trợ đã giúp mở rộng năng lực điều trị nền y tế nước ta theo hướng chuyên sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.