Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sôi nổi y tế cộng đồng
Ngày 15-3, gần 380 người dân có yếu tố nguy cơ mắc lao đã tham dự hoạt động tầm soát bệnh lao miễn phí do Trung tâm Y tế quận 8 tổ chức. Kết quả là 75 người đã được phát hiện có nguy cơ nhiễm lao và được tư vấn điều trị dự phòng sớm.
Bà Trịnh Hồng T (phường 2, quận 8) tham gia sự kiện và chia sẻ: “Tôi được cộng tác viên y tế cộng đồng vận động đi khám. Rất bất ngờ là chụp phim và có kết quả ngay, lại được bác sĩ tư vấn. Tôi rất hài lòng về hoạt động được tổ chức ngay gần nhà mình như thế này”.
Bác sĩ Trần Văn Tuấn, phụ trách Phòng khám lao thuộc Trung tâm Y tế quận 8 cho biết, có kết quả nhanh là do nhân viên y tế được sử dụng hệ thống xét nghiện Gene Xpert có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do Chương trình chống lao thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức phi chính phủ FIT hỗ trợ. “Phương tiện đầy đủ, người dân đến đông nên công tác y tế dự phòng này đã được chúng tôi triển khai bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực”, bác sĩ Trần Văn Tuấn nói.
Để có được con số đông đảo người dân đến buổi khám chữa bệnh nêu trên, có một phần đóng góp của đội ngũ cộng tác viên (CTV) y tế cộng đồng. Đây là những người dân ở cơ sở, có uy tín với cộng đồng và hăng hái tham gia công tác xã hội.
Những CTV này có 4 nhiệm vụ: Phát hiện, theo dõi và báo cáo các trường hợp bệnh tật; giáo dục và tư vấn sức khỏe; hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật; giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh... ngay từ khu dân cư, như một lực lượng “cánh tay nối dài” cho trạm y tế và trung tâm y tế quận.
Chị Trần Thị Phương Huyền (phường 15, quận Bình Thạnh) là một trong 138 CTV y tế tại phường chia sẻ: “Tôi đã từng làm công tác ở tổ dân phố, nên gặp nhiều thuận lợi khi làm CTV y tế. Tôi cũng mới thuyết phục được 3 hộ dân có thân nhân bị bệnh lao đi khám, uống thuốc đều; vận động nhiều người già đi khám sức khỏe định kỳ miễn phí... Người dân cũng từ chỗ dè dặt, cảnh giác, nay đã trở nên thân thiện hơn, bởi nhận thấy lợi ích từ việc này”.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi trạm y tế chỉ có từ 5-10 người, nhưng phải bảo đảm bao quát, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho khoảng 30.000 dân, có nơi đến 100.000 dân. Cùng với đó, còn phải thực hiện 20 chương trình sức khỏe. Do đó, một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều phần việc chương trình, dẫn đến khó vận động mỗi hộ gia đình, mỗi người dân cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.
Những phần việc này, nay đã có CTV y tế phụ giúp. Với chủ trương đã được thông qua cuối năm 2023, dự kiến trong năm 2024, ngân sách thành phố Hồ Chí Minh sẽ chi hơn 99,5 tỷ đồng để hỗ trợ thiết lập đội ngũ 16.000 CTV y tế cộng đồng.
Hoàn thiện hệ thống bệnh viện
Từ đầu tháng 3-2024, gần 120 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đã được sử dụng dịch vụ tại cơ sở mới khang trang, khi Khoa Nội thận - Lọc máu đã được chuyển sang khu 12 tầng của bệnh viện mới sắp khánh thành; thoát cảnh nằm chữa bệnh trong những căn phòng cũ ẩm, ngấm nước, thậm chí ngập lụt khi trời mưa như trước đây.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn Đặng Quốc Quân cho biết, bệnh viện mới được xây dựng với quy mô 1.000 giường sẽ đi vào hoạt động toàn bộ trong năm 2024. Riêng với kỹ thuật lọc thận, bệnh viện đã được thành phố đầu tư 20 máy và sẽ mua thêm 40 máy ngay trong năm nay, giúp Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn trở thành trung tâm lọc thận mới cho người dân khu vực phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh và một phần các tỉnh Bình Dương và Long An.
Đây là kết quả mới nhất của dự án đầu tư 5.600 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2021 để nâng cấp cơ sở vật chất, năng lực hoạt động của 3 bệnh viện cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn; Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Đặc biệt, cả 3 bệnh viện được HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư thêm 4.300 tỷ đồng để mua sắm thiết bị y tế mới cho những bệnh viện này. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, khoản đầu tư lớn này nhằm giúp thành phố có một hệ thống bệnh viện cửa ngõ và vùng giáp ranh, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe không chỉ cho nhân dân thành phố mà còn cho người dân ở các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục hoàn thiện việc quy hoạch, xây dựng các cụm y tế quan trọng, gồm Cụm Y tế Tân Kiên, Cụm Y tế trung tâm và Cụm Y tế thành phố Thủ Đức.
Mới đây, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương đề xuất xây mới Bệnh viện Chấn thương quy mô 1.000 giường tại Cụm Y tế kỹ thuật cao Tân Kiên, thay thế cho Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình cũ đã xuống cấp. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp dược thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng thông tin, cụm công trình dự kiến được xây dựng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2, diện tích 338ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh nhằm thực hiện đề án trên với 2 mục tiêu lớn: Một là, chú trọng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và thiết bị y tế, đặc biệt ưu tiên sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao, sản xuất vắc xin, sinh phẩm, các thuốc mới… từng bước thay thế nhập khẩu. Hai là, hình thành và phát triển Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược tại thành phố Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.