(HNMO) – TS. Nguyễn Văn Cường - Phó trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết, không có chống chỉ định tiêm vắc xin với các trẻ béo phì, còn những trẻ suy dinh dưỡng càng cần phải chủ động phòng bệnh.
Trả lời thắc mắc của độc giả về tiêm chủng vắc xin sởi-rubella tại buổi giao lưu trực tuyến tại một tờ báo điện tử chiều 30/10, TS. Nguyễn Văn Cường - Phó trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, cho biết, về tiêm chủng vắc xin sởi-rubella, theo lịch tiêm chủng thường xuyên, trẻ cần được tiêm 2 mũi sởi lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Những đứa trẻ đã được tiêm 2 mũi sởi trong tiêm chủng thường xuyên thì vẫn cần được tiêm vắc xin sởi và rubella trong chiến dịch để trẻ có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh tốt hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Với các trẻ béo phì thì không có chống chỉ định tiêm vắc xin, còn các cháu suy dinh dưỡng càng cần phải chủ động phòng bệnh.
TS. Cường đưa ra những lưu ý trước và sau khi tiêm. Theo đó, các bậc cha mẹ nên thực hiện các bước sau:
- Báo cho cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe và tình hình tiêm chủng trước đó của trẻ.
- Không để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống bình thường sau tiêm chủng.
- Cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Những việc không nên làm sau tiêm chủng:
- Sử dụng thuốc không theo chỉ định của cán bộ y tế, bao gồm sử dụng thuốc hạ sốt.
- Chườm, đắp lên vị trí tiêm các thuốc, kể cả thuốc theo kinh nghiệm dân gian.
Trước câu hỏi của độc giả về việc chị đã tiêm vắc xin sởi-rubella để chuẩn bị mang bầu nhưng mới đây đi xét nghiệm kháng thể rubella lại cho kết quả âm tính, TS. Nguyễn Văn Cường cho hay, không phải tất cả mọi đối tượng tiêm mũi 1 vắc xin này đều có thể có đủ khả năng phòng bệnh. Vì vậy, nếu xét nghiệm và kết quả chưa có đủ khả năng phòng bệnh rubella thì cần phải tiêm lần 2 vắc xin có thành phần rubella. Việc tiêm lần thứ 2 vắc xin rubellasẽ giúp có khả năng phòng bệnh này tốt hơn.
Giải đáp thắc mắc về phản ứng thông thường sau khi tiên vắc xin sởi-rubella và những phản ứng bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, TS. Nguyễn Văn Cường cho biết, phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin sởi-rubella là đau tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ, sốt nhẹ với tỷ lệ 5-15%, phát ban 7-10 ngày sau tiêm chủng có thể gặp khoảng 2% các trường hợp, các phản ứng khác như nổi hạch, đau khớp nhẹ thì hiếm gặp hơn.
Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu: Sốt cao trên 39, co giật, tím tái, khó thở, phát ban và có các biểu hiện bất thường khác về sức khỏe hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày thì cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí.
Cũng tại buổi giao lưu, một độc giả băn khoăn không biết có phải đưa con đi tiêm vắc xin sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng đợt này hay không, vì trước đó cháu bé đã bị thủy đậu rồi bị sởi, ThS. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý Vắc xin và Xét nghiệm thuộc Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trả lời: Theo Tổ chức Y tế thế giới, những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với bệnh sởi sau khi tiêm vắc xin mà nhiễm virus sởi hoặc sau mắc bệnh sởi thì có miễn dịch bền vững. Tuy nhiên cần phải xem xét việc mắc sởi của cháu bé có được xét nghiệm và chẩn đoán đúng không.
Trường hợp mới chỉ mắc bệnh sởi hoặc mắc bệnh rubella hay chưa biết chắc chắn mắc các bệnh này thì việc tiêm phòng vắc xin sởi - rubella là cần thiết. Trong trường hợp cháu bé bị thủy đậu, sau đó mắc sởi thì vẫn cần tiêm vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.