Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những đơn vị triển khai liên kết theo chuỗi trong nông nghiệp

Đỗ Minh| 12/11/2014 06:53

Sản xuất theo chuỗi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nền nông nghiệp Thủ đô. Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại hóa, có sức cạnh tranh, ngành nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi. Sở NN&PTNT Hà Nội giới thiệu một số chuỗi liên kết tiêu biểu tại Hà Nội.



1. Chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của Công ty Hadico: Đã liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu sản phẩm an toàn và thiết lập các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini cung cấp sản phẩm an toàn cho người dân Hà Nội. Đồng thời xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nơi tham quan cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân đến học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; cung cấp giống cây trồng và vật tư kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao.

2. Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình: Liên kết chặt chẽ với các huyện trên địa bàn thành phố hỗ trợ cho người sản xuất về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giống mới, kỹ thuật mới cho nông dân tham quan, học tập; có cơ chế bán giống thanh toán trả chậm, hỗ trợ cho người dân, nhằm đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

3. Chuỗi liên kết của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương: Chế biến nông sản bằng dây chuyền hiện đại, hoàn toàn không hóa chất, không chất bảo quản; liên kết với người sản xuất theo hình thức tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ người sản xuất về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ tư vấn, giám sát kỹ thuật, hỗ trợ tài chính cho nông dân sản xuất; phối hợp chặt chẽ với nhà khoa học và người sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

4. Chuỗi liên kết của Công ty Sữa quốc tế IDP: Liên kết với người sản xuất theo hình thức tạo vùng nguyên liệu. Công ty đã phối hợp liên kết vùng nguyên liệu với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định chất lượng. Người sản xuất tham gia chuỗi liên kết được công ty hỗ trợ: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi, cử cán bộ giám sát quy trình kỹ thuật, thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

5. Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội: Đã kết nối được với 11 tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 625 tổ hợp tác. Sàn giao dịch đã hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp về kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức sản xuất, định hướng thị trường; kết nối các tổ hợp tác với các doanh nghiệp liên kết, hợp tác đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; cung cấp thông tin thị trường, tư vấn các biện pháp điều chỉnh sản xuất và tiếp thị phù hợp cho các tổ hợp tác, nhóm sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm, liên hệ và kết nối đến đúng các tổ hợp tác, nhóm sản xuất phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng lưới các điểm kết nối bán sản phẩm trực tiếp tới các khu dân cư do sàn phát triển.

6. Chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng Tiên Viên: Được Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển kinh tế trang trại Tiên Viên xây dựng và tổ chức hoạt động. Liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất theo hình thức "thuận mua, vừa bán" cùng thương thảo giá khi có biến động giá trên thị trường, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người sản xuất và đã xây dựng được thương hiệu trứng gà sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đơn vị triển khai liên kết theo chuỗi trong nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.