(HNM) - Hơn ba tháng đã trôi qua (5-12-2012) kể từ khi Bộ GDĐT có kết luận thanh tra về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thế nhưng đến nay, việc Bộ GDĐT giao cho trường tự kiểm điểm vẫn không đạt kết quả.
Thay vì nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm thì dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam, trường đã làm "báo cáo thành tích" dày 52 trang. Vì sốt ruột trước sự "câu giờ" trong tiến hành kiểm điểm, trực tiếp một thứ trưởng đã phải xuống dự, thế nhưng kết cục vẫn bị "nếm mùi" báo cáo thành tích, buộc ông phải cho dừng cuộc họp, yêu cầu kiểm điểm lại.
Công trình nhà 1 tầng của Trường Đại học Kinh tế quốc dân có nhiều sai phạm được Thanh tra Bộ GDĐT phát hiện. Ảnh: Hà Trang |
Khi tính chiến đấu của tổ chức Đảng bị giảm sút
Để có thể "độc diễn" trong suốt thời gian dài từ 2008 đến nay, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam luôn tìm mọi cách củng cố "vây cánh" của mình, loại trừ, trù dập những người dám đấu tranh. Theo kết luận của thanh tra, trong giai đoạn từ 2008 đến 2010, Trường ĐHKTQD đã bổ nhiệm 49 phó trưởng phòng, ban và khoa từ nguồn cán bộ tại chỗ mà không có sự tham gia nhận xét, đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan là không thực hiện đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 7 Quy chế 27 của Thủ tướng Chính phủ (thủ trưởng đánh giá cán bộ và tập thể lãnh đạo đề xuất phương án và Đảng ủy hoặc Thường vụ Đảng ủy họp và có ý kiến bằng văn bản đối với nguồn bổ nhiệm tại chỗ). Trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng và Phòng Tổ chức cán bộ. Việc xử lý cán bộ một cách vội vàng, quyết liệt không cần thiết, không xem xét kỹ các tình tiết liên quan (trường hợp ông Linh, ông Bình), bỏ qua, không xử lý triệt để (trường hợp ông Huệ và các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ ông Huy); điều động, bố trí một cách đột ngột ông Linh từ Trưởng phòng xuống Phó Viện trưởng, ông Quế từ Trưởng khoa xuống Phó Viện trưởng, ông Nghị từ Phó Trưởng khoa xuống Trưởng bộ môn (chức vụ thấp hơn)… Thực chất là giáng cấp cán bộ không có lý do. Trách nhiệm đối với thiếu sót, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ thuộc về Hiệu trưởng, Đảng ủy trường và Phòng Tổ chức cán bộ.
Xin được dẫn chứng ra đây một vài trường hợp luân chuyển, điều động, xử lý kỷ luật cán bộ theo kiểu "tùy hứng" của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam. Thứ nhất là việc điều động ông Phạm Ngọc Linh. Ông Phạm Ngọc Linh được bổ nhiệm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ năm 2008, đến ngày 29-4-2010, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam đột ngột tổ chức họp Ban Giám hiệu để thông báo việc điều động ông Linh làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và thôi giữ chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, lý do là "Phòng TCCB chưa triển khai được việc xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của trường, tiến độ triển khai công việc quá chậm". Điều bất ngờ, sai nguyên tắc là quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của ông Linh và quyết định điều động, bổ nhiệm ông Linh làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế được "ai đó" soạn thảo và đóng dấu sẵn. Không một ai trong Phòng Tổ chức cán bộ biết việc này! Theo kết luận của Thanh tra Bộ GDĐT: "Việc điều chuyển ông Linh không thông qua Đảng ủy và không có văn bản đánh giá cán bộ đã vi phạm Quyết định số 286-QĐ/TƯ ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị về đánh giá cán bộ, công chức. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng và Thường vụ Đảng ủy trường".
Thứ hai, việc điều động bà Nguyễn Thị Thế Anh, Trợ lý Khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực, sang công việc khác với lý do: "Trong quá trình làm việc tại khoa, bà Nguyễn Thị Thế Anh bộc lộ một số bất cập". Theo kết quả thanh tra, việc điều chuyển bà Anh: "Trường và khoa chưa có văn bản đánh giá trước khi điều chuyển, căn cứ để điều chuyển chưa đủ tính thuyết phục. Mặt khác trường không thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại theo đúng quy định mà lại đăng trả lời đơn khiếu nại cùng thông tin cá nhân của bà Thế Anh lên cổng thông tin của trường, gây bức xúc đối với bà Thế Anh và dư luận ở trường. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng và đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ".
Thứ ba, việc ông Đàm Văn Huệ sinh con thứ ba vẫn được bổ nhiệm Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính. Theo đánh giá của Thanh tra Bộ: "Đảng ủy khóa 25, khóa 26 và Hiệu trưởng trường đã vi phạm quy định của Đảng về xử lý đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và bổ nhiệm đảng viên vào chức danh lãnh đạo".
Cũng chính vì vai trò lãnh đạo và tính chiến đấu của Đảng ủy Trường ĐHKTQD bị suy giảm nên có tình trạng khi Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những sai phạm trong quản lý, chi tiêu tài chính (hai năm 2008 và 2009), nhưng Đảng ủy nhà trường không kịp thời lãnh đạo, định ra hướng xử lý trách nhiệm cán bộ, giải quyết triệt để những tồn tại, đã để Ban Giám hiệu mà trực tiếp là Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam tiếp tục có những hành vi sai phạm nghiêm trọng hơn. Kết luận thanh tra (qua thanh tra năm 2009-2011) trong phần "Thu chi tài chính" đã chỉ ra: Trường ĐHKTQD đã thu sai, thu vượt nhiều khoản như thu kinh phí đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ không có trong quy định 22,173 tỷ đồng, thu vượt quy định về học phí nâng điểm hệ chính quy 3,073 tỷ đồng, thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh các hệ 7,906 tỷ đồng, thu ngoài quy định 18,407 tỷ đồng; thu phí trông xe vượt quy định 229,536 triệu đồng... Số tiền Trường ĐHKTQD đã thu sai quy định hơn 51 tỷ đồng.
Kết luận về trách nhiệm Đảng ủy nhà trường trước những sai phạm, Thanh tra Bộ đánh giá: "Việc xử lý cán bộ trong một số trường hợp còn nóng vội, thiếu công bằng, có biểu hiện thiếu dân chủ, gây bức xúc cho đối tượng, không tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ liên quan đến các vấn đề sai phạm mà thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị, vì vậy, một số sai phạm tiếp tục tái diễn". Và tất nhiên, khi tổ chức Đảng giảm sút tính chiến đấu, cán bộ bị thao túng thì việc Trường ĐHKTQD "tự kiểm điểm" không đạt kết quả là dễ hiểu.
Hơn ba tháng tự kiểm điểm - Không nhận ra khuyết điểm
Sự việc sai phạm kéo dài ở Trường ÐHKTQD tưởng chừng đã có hồi kết nhưng sau khi công bố kết luận thanh tra, các bước xử lý lại gây nhiều điều khó hiểu. Ngày 28-12-2012, trên Trang thông tin điện tử của Bộ GDÐT đăng tải Công văn số 8774/BGDÐT-TTr về việc xử lý sau thanh tra đối với Trường ÐHKTQD. Trong đó, thay vì giao Vụ Tổ chức - Cán bộ căn cứ vào các thiếu sót, sai phạm đề xuất biện pháp xử lý kỷ luật theo đúng quy định pháp luật, Bộ GDÐT lại giao Vụ Tổ chức - Cán bộ "Hướng dẫn Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến những thiếu sót, sai phạm thuộc bốn nhóm vấn đề đã nêu trong kết luận thanh tra và đề xuất phương án xử lý kỷ luật theo đúng quy định pháp luật". Khi được hỏi tại sao lại như vậy, ông Trần Kim Tự, Vụ phó Vụ Tổ chức - Cán bộ, Bộ GDĐT trả lời: "Kết luận như thế rồi, thì bây giờ là công việc của họ".
Và kết quả "công việc của họ" khi nhà trường tiến hành kiểm điểm ròng rã suốt hơn ba tháng trời là hoàn thiện một bản báo cáo thành tích dày 52 trang? Vì sốt ruột trước sự "câu giờ" trong tiến hành kiểm điểm, ngày 27-2-2013, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu đoàn kiểm tra đã phải xuống trường dự kiểm điểm, thế nhưng kết cục vẫn bị "nếm mùi" báo cáo thành tích, buộc ông phải cho dừng cuộc họp, yêu cầu kiểm điểm lại. Sau khi có kết luận thanh tra, cũng là lúc Trường ĐHKTQD tổ chức việc thí điểm giảng viên tham gia đánh giá hiệu trưởng theo quy định của Bộ GDĐT. Mặc dù sai phạm đã rành rành trong các kết luận của Thanh tra Bộ, nhưng Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam vẫn khẳng định là mình làm đúng. Kết luận thanh tra chỉ rõ: "Công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, chưa thực hiện đánh giá cán bộ bằng văn bản và không lấy phiếu tín nhiệm nguồn tại chỗ là không đúng". Vậy nhưng, trong báo cáo của ông Nam về kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2008-2012 lại khẳng định: "Trường thực hiện thuyên chuyển, điều động cán bộ theo đúng quy định, xuất phát từ đề đạt của đơn vị".
Đối với việc gửi học giữa Trường ĐHKTQD và Trường Đại học Tây Bắc, kết luận của thanh tra đã rõ: "Theo quy định hiện hành, việc gửi học 54 sinh viên là không có cơ sở pháp lý và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2905/QĐ-BGDĐT. Số lượng sinh viên gửi học từ Tây Bắc về Hà Nội hàng năm tăng dần (từ 5 trường hợp khóa 49 lên 21 trường hợp khóa 52) ảnh hưởng đến mục tiêu liên kết đào tạo. Việc gửi học không có chủ trương chung và không tiến hành công khai mà do hiệu trưởng hai trường thỏa thuận, quyết định vì vậy đã phát sinh dư luận không tốt". Thế nhưng lý giải về việc này Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam lại cho rằng: "Phần lớn trong số 54 sinh viên gửi học là con em các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ngành có đơn đề nghị. Việc gửi học vẫn bảo đảm các quyền lợi cho sinh viên".
Nói tóm lại, tinh thần toát lên từ bản kiểm điểm "nghiêm túc" của cá nhân Hiệu trưởng và tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHKTQD, phần lỗi chủ yếu là do cơ chế, chính sách, do nhiều nguyên nhân khách quan và lịch sử để lại. Kết luận của Thanh tra Bộ đã chỉ ra nhiều sai phạm về phần chủ quan của Hiệu trưởng và Đảng ủy nhà trường, đó là: Nhận thức của Hiệu trưởng và lãnh đạo một số đơn vị tham mưu về tự chủ, tự chịu trách nhiệm và một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, có điểm chưa đúng dẫn đến việc ban hành văn bản có những điểm sai cơ bản, từ đó hoạt động của trường có những thiếu sót, sai phạm. Trong chỉ đạo điều hành còn thiếu thận trọng, có biểu hiện thiếu dân chủ, thiếu công bằng. Công tác tự kiểm tra chưa đạt hiệu quả cao; việc giải quyết khiếu nại tố cáo một số vụ việc chậm, chưa thực sự cầu thị. Việc thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán chưa nghiêm túc, đặc biệt chưa thực hiện kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan đến sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán. Đảng ủy cơ sở chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong nhà trường… Vậy nhưng, trong phần tự nhận hình thức kỷ luật, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam chỉ nhận hình thức "kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc trước Bộ GDĐT, Đảng ủy, cán bộ chủ chốt nhà trường".
Được biết, ít ngày nữa Bộ GDĐT sẽ có cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại Trường ĐHKTQD mà trách nhiệm trước hết thuộc về Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.