Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhịp cầu nối tình hữu nghị Việt - Thái

Quỳnh Dương| 14/05/2020 12:54

(HNMCT) - Trong suốt hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia và để lại dấu ấn sâu đậm tại nhiều nơi. Thái Lan là một trong những địa chỉ mà Người từng sống và làm việc từ năm 1928 đến năm 1930. Dù gần thế kỷ đã trôi qua, song tại đất nước Chùa Vàng, những hình ảnh đẹp về Người với cuộc sống thanh cao và bình dị vẫn được lưu giữ trong các khu tưởng niệm tại Udon Thani và Nakhon Phanom.

Căn nhà nơi Bác Hồ từng sinh sống tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan.

Khu tưởng niệm Udon Thani

Để phát triển phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, tháng 7-1928, với hộ chiếu mang tên một Hoa kiều là Nguyễn Lai, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã từ châu Âu về Thái Lan. Ban đầu, Người chọn Udon Thani, vùng có đông Việt kiều sinh sống, để hoạt động. Bác sống và sinh hoạt như mọi người, cùng đào giếng, làm vườn, chăn nuôi lợn gà... Để bảo đảm bí mật, Bác sử dụng nhiều tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn..., nhưng người dân Thái Lan lại quen gọi Người bằng cái tên thân thương, gần gũi là Thầu Chín (hay là ông già Chín). Tác phong giản dị của Người đã gây dựng tình cảm thân thiết hơn của nhân dân Thái Lan đối với Bác và cách mạng Việt Nam.

Với tình cảm sâu sắc đó, vào năm 2002, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều thống nhất ý tưởng xây dựng khu Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi Bác từng sinh sống - bản Noong On, xã Chiang Phin, huyện Muong - với khuôn viên rộng gần 10.000m2 và chia làm 2 phần. “Trại cưa”, nơi ở của Bác Hồ được phục dựng với ngôi nhà chính 3 gian lợp lá: Gian giữa là nơi hội họp, học tập; gian bên trái là phòng làm việc và sinh hoạt của Bác; gian bên phải là nơi nghỉ ngơi cho anh em, đồng chí. Trong khoảng sân rộng kế bên lần lượt là giếng nước, nhà kho, nhà bếp. Phần còn lại là khu nhà đa năng 2 tầng với sân rộng. Ở tầng 1, gian chính đặt ban thờ Bác Hồ. Tiếp đó là các gian trưng bày giới thiệu khu di tích, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta (trong đó có bà con người Việt ở Thái Lan) dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều đặc biệt là, đầu năm 2017, chính phủ Thái Lan đã ủng hộ việc đặt tên 2 nhánh con đường nối từ tỉnh lộ 2263 vào Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là Thầu Chín 1 và Thầu Chín 2. Chính quyền địa phương khẳng định: Tỉnh Udon Thani đã trở thành một phần của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và tin tưởng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan. Đến nay, khu tưởng niệm được đánh giá là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút nhiều du khách của tỉnh Udon Thani khi mỗi năm đón khoảng 22 - 24 nghìn lượt khách.

Khu di tích bản Mạy

Cuối năm 1928, sau gần 6 tháng dừng chân ở bản Noong On, ông Thầu Chín đã chuyển đến tỉnh Nakhon Phanom cách Udon Thani hơn 200km. Tại đây, Người đã đề nghị dân làng đổi tên từ bản Nachok (bản Chó rừng) thành bản Mạy, có nghĩa là “làng mới”, đánh dấu sự đổi mới làng quê do cộng đồng người Việt lập nên. Ban đầu, ông Thầu Chín huy động một số thanh niên trong bản tự đốn gỗ và nung gạch để xây dựng một căn nhà sàn vừa làm nơi sinh hoạt, học tập vừa là nơi tá túc cho cán bộ cách mạng từ trong nước sang. Người gọi đây là nhà hợp tác. Ngôi nhà quay mặt về phía hồ nước. Trước nhà, Bác trồng cây khế, hai cây dừa cùng hàng rào hoa râm bụt... Trong thời gian này, Người đã xây dựng phong trào Việt kiều trở thành một phần quan trọng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Ban đầu, người Việt ở Nakhon Phanom chưa biết rõ về ông Thầu Chín, chỉ thấy đó là người đàn ông dễ gần, rất chu đáo với bà con. Ngày ngày, sau mỗi buổi làm việc, ông Thầu Chín cùng với thanh niên đá bóng, dạy cho dân cách trồng lúa, trồng khoai, cách tiết kiệm tiền để sẵn sàng hướng về quê hương, giúp đỡ cách mạng. Người căn dặn bà con Việt kiều dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn hướng về đất nước.

Vô cùng cảm mến ông Thầu Chín nên khi Bác Hồ đi khỏi bản Mạy, chuyển sang hoạt động ở những địa phương, đất nước khác, bà con Việt kiều ở đây đã nâng niu, trân trọng gìn giữ những hiện vật mà Người để lại. Đặc biệt, khi biết rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ông Thầu Chí năm xưa thì bà con bản Mạy càng tự hào và trân trọng.

Ngôi nhà nhỏ mà lãnh tụ kính yêu từng ở tại bản Mạy không chỉ là di tích lịch sử quý giá gắn với cuộc đời cách mạng sôi nổi của Người, mà còn là nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Thái. Ngay cạnh ngôi nhà nhỏ này là Làng hữu nghị Việt - Thái và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền hai nước Việt Nam - Thái Lan xây dựng từ năm 2004, cách thủ đô Bangkok hơn 700km. Theo thông tin từ người dân bản Mạy, khu di tích này thường xuyên thu hút rất nhiều người dân ở các tỉnh, thành của Thái Lan đến tham quan. Ngoài ý nghĩa về văn hóa và lịch sử, hai công trình lưu niệm đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, là điểm gặp gỡ của bà con Việt kiều xa quê hương luôn hướng về đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhịp cầu nối tình hữu nghị Việt - Thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.