(HNM) - Câu hỏi đặt ra là, suốt 30 năm qua tính từ khi Đảng ta phát động công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (1986) đến nay, tình hình sáng tác văn học ở nước ta có sự chuyển động như thế nào?
Sự "tự vỡ vạc" của lực lượng cầm bút
Diện mạo của một nền văn học chắc chắn phải được hình thành từ diện mạo của những cá tính sáng tạo. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho rằng: "Chính việc hưởng ứng công cuộc đổi mới của Đảng đưa tới sự thức tỉnh của các nhà văn trong những năm dài bao cấp, từ chỗ viết theo chỉ dẫn đến chỗ viết theo những vấn đề do chính mình phát hiện và muốn lên tiếng...". Còn như nhận định của nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương thì các nhà văn Việt Nam đã có sự nhận thức và trải nghiệm chưa từng có trong "sinh quyển đổi mới" ấy, dù việc xác lập, gọi tên những quan niệm thẩm mỹ mới chưa thực sự hoàn chỉnh...
Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới mang đến cho độc giả nhiều tác phẩm văn học hiện đại. Ảnh: Yến Ngọc |
Cùng với những chuyển động của bối cảnh đất nước, bản thân đội ngũ người viết đã có sự "tự vỡ vạc" rất nhiều. Đã nhìn thấy những lớp người viết trẻ đồng thời là người đọc. Đọc thực sự để trưởng thành trong tư tưởng, trong nghề nghiệp. Nhà văn Nguyễn Danh Lam, một cây bút thế hệ 7X cho biết: "Cá nhân tôi đã có "cái nhìn khác hẳn" sau khi lang thang đến... các nhà sách cũ, tìm thấy một lượng không nhỏ các tác phẩm dịch, cả triết học, văn học, tôn giáo... mà qua một thời gian gián đoạn không được dịch. Từ bàn đạp sách cũ, chúng tôi tập được thói quen đọc, dần đi đến ảnh hưởng trong sáng tác".
Đã có sự xuất hiện của những người viết trẻ là những trí thức tầm vóc, có khả năng hội nhập quốc tế. Họ có thể viết bằng ngoại ngữ, tự dịch hoặc tham gia các hoạt động giao lưu, xuất bản văn học ở nước ngoài một cách thoải mái. Tất nhiên, đọc, tự học không phải là đặc quyền của lớp người viết trẻ. Có những tác giả thuộc thế hệ 5X, 6X cũng trải qua quá trình vất vả trải nghiệm, không phải trong đời sống mà cả về tư tưởng. Lại nhớ đến Mai Văn Phấn - tác giả có những tập thơ được dịch sang 9 thứ tiếng, cũng đã từng lòng vòng thử nghiệm Đông - Tây rồi mới quay về đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc để sáng tạo. Trong hội thảo kể trên, cũng có khá nhiều ý kiến nhắc đến, phân tích tác phẩm của những tác giả thuộc lớp nhà văn "không còn trẻ" được xem như biểu hiện của đổi mới như Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân, Hồ Anh Thái...
Về lực lượng sáng tác những năm đổi mới, không thể không nhắc đến những người Việt hiện sống và làm việc ở nước ngoài. Những góc nhìn đa chiều về con người trong khái niệm "công dân toàn cầu" đánh thức ở người đọc những cảm thức mới mẻ mà chắc hẳn là trước đây chưa thể rõ rệt. Đó là Nguyễn Huy Hoàng (Nga), Phan Việt (Mỹ), Thuận, Hiệu Constant (Pháp), Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà (Đức)...
Những chuyển động quanh tác phẩm
Thực sự là nhiều thế hệ nhà văn đã kế thừa, nối tiếp nhau đi qua những năm tháng mới mẻ, bỡ ngỡ và cũng đầy thử thách của đổi mới với ý thức mạnh mẽ của người cầm bút. Nỗ lực của họ thể hiện qua diện mạo tác phẩm. Tiểu thuyết được phân tích nhiều nhất, cho thấy những chuyển động mới của văn học. Những vấn đề về thể loại (tiểu thuyết thế sự, tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết kỳ ảo...) đến kết cấu, ngôn ngữ, đề tài... đều được đề cập. Có một số nhận định đáng chú ý như khuynh hướng văn xuôi sinh thái Việt Nam; trong đó, Thạc sĩ Trần Thị Ánh Nguyệt (Đại học Duy Tân) cho rằng: "Khi nói tới đổi mới văn học, chúng ta thường nghiêng về những vấn đề xã hội như tha hóa đạo đức, dân chủ, nhân văn... mà ít quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ở Việt Nam, khuynh hướng văn học sinh thái những năm đổi mới tuy phát triển muộn màng, lẻ tẻ hơn so với các nước nhưng đang hình thành với những đặc trưng riêng của nó. Các chủ đề gồm phê phán tư tưởng thống trị tự nhiên, đạo đức sinh thái, những vấn đề nông thôn và thành thị...". Có thể kể ra những tác giả chuyên tâm, hoặc có quan tâm đề cập tới đề tài này như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Trần Duy Phiên, Hà Thị Cẩm Anh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Thuần...
Những nét khác biệt của văn thơ Việt Nam đổi mới còn được nhìn nhận ở những ý kiến khác như "yếu tố siêu thực trong thơ Việt Nam đương đại", "vấn đề tính dục trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại", "loại hình nhân vật "lầm lạc" trong tiểu thuyết của các cây bút trẻ hôm nay"...
Đặc biệt, hiện tượng tản văn được nhiều đại biểu phân tích với chung nhận định: "Xuất hiện dày đặc, tạo nên một số tác giả tên tuổi, bán chạy hơn nhiều tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn...". Thậm chí, sự phát triển của tản văn được xem như "một thể loại nhỏ của một thời kỳ lớn" (nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam).
Có thể nói, dù tiếp cận từ rất nhiều góc độ, đôi khi đi sâu vào học thuật, song gói lại, cuộc đối thoại của hơn 70 nhà văn, nhà lý luận phê bình, giảng viên, nhà nghiên cứu văn học nói trên cho thấy một điểm chung là văn học thời kỳ đổi mới có sự chuyển biến rõ ràng. Sự đổi mới không nằm ngoài câu chuyện số phận con người, cũng không bao giờ là sự chối bỏ giá trị văn hóa dân tộc. Muốn văn học tiếp tục đổi mới và phát triển, hãy khơi dòng cho văn học không ngừng chảy, để hy vọng lắng lại những giá trị vượt thời gian. Từ đây, văn học được tiếp tục hiện diện rõ rệt hơn trong đời sống như một thứ quyền lực tinh thần. Vừa tinh tế, vừa mạnh mẽ và mang theo những thông điệp văn hóa vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.