(HNM) - Mũ bảo hiểm (MBH) và chất lượng MBH không còn là vấn đề mới. Thị trường MBH vẫn
Khi công tác quản lý tồn tại nhiều bất cập
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương): Năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý trên 1.250 vụ, phạt vi phạm hành chính trên 1,5 tỷ đồng, thu giữ trên 27.146 chiếc MBH nhập lậu, kém chất lượng, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, con số vi phạm bị xử lý là 586 vụ, phạt hành chính gần 500 triệu đồng, thu giữ trên 4.000 chiếc MBH nhập lậu, kém chất lượng, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. Các vi phạm chủ yếu là MBH không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, nhập lậu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa.
Việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm vẫn còn nhiều bất cập. |
Khẳng định công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh MBH thời gian qua đã góp phần hạn chế nhiều vi phạm, giảm hiện tượng bày bán công khai MBH giả, kém chất lượng, song ông Vũ Xuân Bính - đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, từ cả khâu sản xuất đến kinh doanh. Đáng chú ý, trong gần 100 doanh nghiệp (DN) sản xuất MBH hiện nay, chỉ có không quá 10 DN tự sản xuất toàn bộ linh kiện và lắp ráp MBH hoàn chỉnh. Các DN còn lại chỉ sản xuất vỏ mũ và mua các linh kiện khác về lắp ráp. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý gặp nhiều khó khăn. Việc kinh doanh thì hiện đang trong tình trạng… "thả gà ra đuổi", khó lại càng khó do phần lớn là các cơ sở, cá nhân nhỏ lẻ, bày bán trên vỉa hè, lòng đường, bán lẫn với các mặt hàng khác… Vấn đề các văn bản pháp luật hiện hành để xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng đối với các loại mũ có hình dáng giống MBH hay giả mạo MBH cũng còn nhiều bất cập…
Nên quy trách nhiệm chính về một mối
Tại Hội nghị "Tham vấn liên ngành về tăng cường quản lý chất lượng MBH và phối hợp hoạt động trong thời gian tới" do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được nêu ra. Theo đó, bên cạnh kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản chủ chốt trong quản lý chất lượng MBH, một số ý kiến cho rằng cần xem xét quy định đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm quản lý chất lượng MBH hiệu quả hơn. Bên cạnh việc tăng cường giám sát quản lý chất lượng trong khâu sản xuất, đặc biệt là hoạt động của các cơ quan quản lý tại địa phương trong việc kiểm soát các cơ sở sản xuất MBH lắp ráp nhỏ lẻ, thiếu điều kiện để ngăn ngừa đưa ra thị trường MBH kém chất lượng; trong khâu lưu thông trên thị trường, điều quan trọng hơn cả đó là việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.
Tham vấn tại hội nghị, ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Hải Phòng đưa ý kiến: Nên chăng chỉ ra một cơ quan chịu trách nhiệm chính về mặt hàng MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy. Như mặt hàng gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường trước đây có nhiều cơ quan có trách nhiệm: Giết mổ là Bộ NN-PTNT; Lưu thông là Bộ Công thương; Chế biến là Bộ Y tế… Khi Chính phủ quy định các bộ, ngành chịu trách nhiệm từng nhóm mặt hàng khi lưu thông trên thị trường, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chính, rõ ràng tình hình có chuyển biến tốt, hiệu quả tốt lên. Còn với mặt hàng MBH, vấn đề chất lượng được giao cho Bộ KH-CN; MBH giả, nhái được giao cho Bộ Công thương. Vậy nên chăng đưa việc quản lý này về một đầu mối chịu trách nhiệm chính là Bộ KH-CN, Bộ Công thương phối hợp để làm rõ trách nhiệm, vì bản thân mỗi bộ, ngành đều có cơ quan chức năng có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra và xử lý.
Nêu kiến nghị để quản lý chặt chẽ chất lượng MBH lưu thông trên thị trường, đại diện Cục Quản lý thị trường đề xuất: Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã nếu để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó chịu trách nhiệm.
Một giải pháp quản lý hiệu quả hơn đang là đòi hỏi hiện nay khi mà tình trạng MBH giả, nhái, kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường. Hy vọng rằng, sự tham gia có trách nhiệm, ý kiến tham vấn của các tổ chức, cơ quan quản lý sẽ góp phần nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý chất lượng MBH, đáp ứng yêu cầu xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.