Sau 17 năm triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển và ngồi trên xe mô tô, xe máy, hầu hết người dân đã có thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, vẫn có không ít người đội mũ bảo hiểm "rởm" nhằm mục đích đối phó với lực lượng chức năng.
Mũ “rởm” báo hại người đội
Nhiều người cho đến nay vẫn còn nhớ vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 12-3 tại đoạn giao giữa đường Trần Duy Hưng và Hoàng Đạo Thúy, khi một phụ nữ điều khiển xe máy va chạm với một xe ba gác. Cú va chạm tuy không mạnh nhưng người phụ nữ đã phải vào bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân là chiếc mũ bảo hiểm mà người phụ nữ này đội (thực chất chỉ là một lớp nhựa có quai đeo, không có lớp xốp bảo vệ) bị vỡ và một mảnh nhựa nhọn đã găm vào đầu nạn nhân.
Vụ va chạm giữa hai xe máy trên đường Lê Thanh Nghị vào ngày 20-8 vừa qua cũng có nguyên nhân xuất phát từ những chiếc mũ bảo hiểm không đúng quy cách, tiêu chuẩn. Một nam thanh niên điều khiển xe máy với tốc độ cao, do quai mũ bảo hiểm lỏng lẻo nên mũ bất ngờ ụp xuống mặt, cản trở tầm nhìn, khiến xe máy của nam thanh niên này đâm vào phần đuôi của một xe máy phía trước. Rất may là vụ va chạm không gây ra thương tích cho cả hai người điều khiển phương tiện.
Qua hai tình huống trên cho thấy, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn không những không có tác dụng bảo vệ người đội mũ trong trường hợp không may xảy ra tai nạn giao thông, mà có thể còn là tác nhân trực tiếp gây ra tai nạn hoặc gây thương tích khi xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, vẫn khá nhiều người dân sử dụng những loại mũ bảo hiểm “rởm” này.
Kết quả khảo sát chất lượng trên 540 mũ bảo hiểm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, có đến 25,9% số mũ bảo hiểm chỉ là mũ lưỡi trai, loại có lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp hoặc phần xốp rất mỏng không có khả năng bảo vệ cho người đội khi tai nạn giao thông xảy ra. Loại mũ lưỡi trai này không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi xe máy theo tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.
Vì thời trang mà coi thường tính mạng
Hiện nay, mũ bảo hiểm đạt chuẩn của Việt Nam được chia làm nhiều loại, bao gồm loại che nửa đầu, che ¾ đầu, che cả đầu, che cả đầu và tai, cuối cùng là che cả đầu, tai và hàm. Theo đó, một chiếc mũ đạt chuẩn phải có đủ 3 bộ phận, bao gồm vỏ mũ, đệm bảo vệ và quai đeo. Ngoài ra, mũ bảo hiểm cũng phải đạt tiêu chuẩn về kích thước, chất liệu và các chỉ số thử nghiệm đảm bảo an toàn với người dùng.
Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Hiện vẫn còn một số bạn trẻ đội các loại mũ thời trang thay vì mũ bảo hiểm đạt chuẩn chỉ vì thấy cái mũ đó đẹp và nhẹ. Mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn thì nặng hơn mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn, giá mua cũng cao hơn nhưng có khả năng bảo vệ vùng đầu của người ngồi trên xe. Dùng mũ bảo hiểm "rởm" chính là coi thường tính mạng, sức khỏe của mình. Đặt yếu tố làm đẹp lên trên, điều này rất đáng lo ngại”.
Bên cạnh đó, theo Luật Giao thông đường bộ ban hành năm 2008, khoản 2 điều 30 đưa ra mức phạt với hành vi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không đúng quy cách là từ 400.000 - 600.000 nghìn đồng; nhưng luật chưa quy định mức xử phạt đối với người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, đây được cho là một phần nguyên nhân khiến người dân vẫn sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: “Hiện nay, chúng ta đang thiếu chế tài cũng như chưa xử lý nghiêm đối với hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Cần phải có quy định cụ thể về mũ bảo hiểm đạt chuẩn và mũ không đạt chuẩn; mũ "rởm" thì không được phép mua bán, sử dụng để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”.
Cần kiểm soát thị trường mũ bảo hiểm
Theo nghiên cứu của hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có thể giúp giảm tỉ lệ tử vong đến 43% và giảm tỉ lệ thương tật nặng lên đến 69% trong tổng số vụ tai nạn giao thông. Điều này có nghĩa, nếu không chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng thì khi không may xảy ra tai nạn giao thông, hậu quả thật khó lường.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm về việc mua bán mũ bảo hiểm "rởm" quá dễ dàng, công khai trên nhiều đường phố, ngay cả trên một số sàn thương mại điện tử cũng rao bán những chiếc mũ bảo hiểm không hợp quy cách, không đạt chất lượng. Thậm chí, trên các con phố có mật độ giao thông cao hoặc có nhiều chốt kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông cũng có nhiều người bày bán mũ "rởm" ngay sát lề đường. Trên các phố Chùa Bộc, Giải Phóng, Lê Duẩn..., mũ "rởm" được bày bán với giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng. Những chiếc mũ này chỉ cần đập nhẹ xuống đất là sẽ vỡ ngay.
Có cầu ắt có cung. Tuy nhiên, quy định của pháp luật cũng cần làm rõ trách nhiệm của những người bán mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không có tác dụng bảo vệ, để các cơ quan chức năng có chế tài, căn cứ, biện pháp xử lý, không để những chiếc mũ bảo hiểm "rởm" tràn lan trên thị trường.
Chị Vũ Bích Thuần, nhân viên cửa hàng mũ bảo hiểm Protec nằm trên đường Trường Chinh, Hà Nội, cho biết: "Mũ bảo hiểm đạt chuẩn là mũ bảo hiểm có 3 phần. Phần thứ nhất là vỏ mũ. Thứ hai là phần xốp có tác dụng hấp thu xung động, trong trường hợp không may xảy ra tai nạn giao thông thì bộ phận này sẽ giúp bảo vệ phần đầu của chúng ta. Nếu quan sát kỹ ở phần xốp sẽ thấy các hạt xốp liên kết với nhau, khi ta dùng một ngón tay ấn vào mũ thì các hạt xốp không bị lún xuống. Thứ ba là phần dây, quai mũ phải chắc chắn, có thể điều chỉnh linh hoạt độ rộng hẹp của dây để vừa với đầu. Cuối cùng, mũ bảo hiểm phải có tem kiểm định chất lượng an toàn và tem in ngày sản xuất cũng như thông tin khác về mũ. Đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng chính là bảo vệ sự sống của chính mình".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.