Thời gian gần đây, tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe máy, xe đạp điện, chở quá số người quy định, lạng lách, “đánh võng”… đang trở nên báo động. Đây là những hành vi không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho chính người điều khiển phương tiện và những người đang tham gia giao thông khác.
Nhan nhản vi phạm
Thời gian gần đây, nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Quốc Hoàn (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), không khỏi bức xúc trước hình ảnh nhiều học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm điều khiển xe máy, xe máy điện nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều đường (đoạn từ phố Trần Quốc Hoàn rẽ trái sang Nguyễn Phong Sắc), lạng lách, “đánh võng” gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Liên tục trong các ngày từ 13 đến 16-11, trực tiếp khảo sát tại hàng loạt tuyến đường phố như Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát, Võ Chí Công… phóng viên chứng kiến nhiều trường hợp học sinh mặc nguyên đồng phục, đi xe máy với tốc độ cao trên đường nhưng “quên” đội mũ bảo hiểm.
Đáng chú ý, không chỉ các học sinh vi phạm trật tự giao thông, nhiều bậc phụ huynh đưa đón con em đi học cũng “quên” luôn việc đội mũ bảo hiểm cho con và chính mình khi tham gia giao thông. Trước đó, ngày 8-11, tổ Cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã triển khai lập chốt kiểm tra, kiểm soát trên tuyến đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) và xử lý nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Phần lớn các trường hợp vi phạm đều là sinh viên, học sinh.
Theo thống kê của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, chỉ tính trong 10 tháng của năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe.
Cách nào xử lý triệt để vi phạm?!
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Cầu Giấy), Khoản 3, Điều 11 thông tin, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: “Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
Tuy nhiên, để xử lý từ “gốc”, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức từ chính phụ huynh và các em học sinh. Nếu phụ huynh không giao xe có dung tích xi lanh vượt quá quy định cho con em mình; không cho con điều khiển phương tiện khi chưa có Giấy phép lái xe; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và giám sát việc con đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… thì chắc chắn những vi phạm nêu trên sẽ giảm đi đáng kể.
Trung tá Đào Việt Long, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh là điều rất quan trọng, nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Lứa tuổi này cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục nhân cách, giúp các em hình thành ý thức, thói quen… khi điều khiển phương tiện. Từ đầu năm học 2023-2024, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng phòng giáo dục và đào tạo 30 quận, huyện, thị xã, tổ chức tuyên truyền về luật an toàn giao thông vào giờ ngoại khóa đầu tuần. Các tiết học ngoại khóa đã thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Vào những tháng cuối năm, lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông bổ ích mang nhiều ý nghĩa giáo dục thiết thực.
Cùng chung quan điểm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Hương chia sẻ, ngay từ đầu năm học mới, Phòng đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức về trật tự an toàn giao thông tới toàn thể giáo viên, học sinh. Cuối tháng 9 vừa qua, tại Trường Tiểu học Phú Đô, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Chương trình trao tặng 2 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên toàn quốc. Việc trao tặng mũ bảo hiểm đã góp phần giáo dục, tuyên truyền, lan tỏa ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho học sinh, phụ huynh và cho cả cộng đồng.
Thiếu tá Nguyễn Công Hà, báo cáo viên tuyên truyền của Phòng Cảnh sát giao thông khẳng định, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội sẽ liên tục tăng cường kiểm tra, xử lý và nhắc nhở tới phụ huynh, học sinh về việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông. Việc làm này không chỉ nhằm mục tiêu kéo giảm nguy cơ tai nạn giao thông, mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.