(HNM) - Ngày 25-2, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán mũ bảo hiểm trên địa bàn. Tại 6 quận, huyện trong thành phố, lực lượng chức năng đều phát hiện cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Các loại mũ này được làm bằng nhựa dẻo, không rõ nguồn gốc và không dán tem hợp chuẩn. Tại cửa hàng số 14 phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), gần 90% mũ bảo hiểm được bày bán là loại mũ thời trang, chỉ cần va đập nhỏ đã có thể vỡ tan…
1. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 9 đến 17-2-2013 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Thìn đến mùng 8 Tết Nguyên đán Quý Tỵ) toàn quốc xảy ra 367 vụ TNGT đường bộ, làm 307 người thiệt mạng và 384 người bị thương. Thống kê cũng cho thấy, đa số các vụ TNGT đều liên quan đến mô tô, xe máy, người điều khiển phương tiện phần lớn ở lứa tuổi thanh niên… Ở một góc độ khác nhìn nhận, trong số những người tử vong vì TNGT, không hiếm các trường hợp bị… chết oan do sử dụng mũ bảo hiểm rởm. Lại có con số thống kê, hiện có tới hơn 60% số người điều khiển mô tô, xe máy sử dụng mũ bảo hiểm… thời trang nhằm đối phó với lực lượng CSGT chứ không có tác dụng bảo vệ vì đây là những loại mũ kém chất lượng, sản xuất tùy tiện không theo tiêu chuẩn quy định. Như vậy có thể thấy, nhiều người sử dụng mũ rởm không quan tâm tới sự an toàn về tính mạng của bản thân khi lưu thông trên đường.
2. Mũ bảo hiểm kém chất lượng nhưng… hợp "mốt" hiện được bày bán ở nhiều nơi tại Hà Nội. Chắc chắn là có nhiều người mua nên hàng bày bán la liệt ở vỉa hè hay tại các nút giao thông. Và trong các cửa hàng, cùng với những loại mũ bảo hiểm được dán tem CR theo đúng quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa theo quy định thì vẫn có những loại mũ thời trang, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các loại mũ rởm có giá chỉ 30-70.000 đồng/chiếc trong khi đó một chiếc mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn thì giá ít nhất phải từ 150.000 đến 300.000 đồng. Do sự bùng nổ của các loại mũ bảo hiểm làm rởm, làm nhái nên hiện nay nhiều DN sản xuất mũ bảo hiểm đã bị phá sản. Nếu như năm 2011 trên địa bàn Hà Nội có 51 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm thì nay chỉ còn 6 cơ sở và chỉ sản xuất cầm chừng…
3. Lực lượng quản lý thị trường cho biết, mặc dù phát hiện rất nhiều mũ bảo hiểm rởm nhưng hiện mới chỉ tịch thu, chưa có chế tài xử phạt. Cụ thể là sắp tới thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy mới có hiệu lực. Có nghĩa là các hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm rởm đều bị xử lý. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, liệu chúng ta có cần chờ thêm văn bản ban hành không khi kế hoạch dán tem CR cho mũ bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1-7-2010, nghĩa là mũ không được dán tem CR là sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg về quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; trong đó có việc xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Rồi theo Thông tư liên tịch số 10 ngày 27-4-2000 do Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ KH-CN&MT ban hành để hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả; việc xác định thế nào là hàng giả và cách thức xử lý ra sao đều đã rõ… Vậy nhưng các lực lượng chức năng vẫn phải chờ thêm những hướng dẫn mới…
Nêu qua vài ba chuyện để thấy, quanh việc xuất hiện những chiếc mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm… thời trang là rất nhiều vấn đề, từ việc "thích" loại hàng này trong ý thức của người tiêu dùng tới công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo vệ thương hiệu; bảo vệ chất lượng hàng hóa; quản lý thị trường… đều có nhiều bất cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.