(HNM) - Thông tư 26/2012/TT-BGTVT ngày 20-7-2012 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác đã đưa ra những tiêu chí rõ ràng để xác định “điểm đen” và điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Trong đó, các “điểm đen” thường tiềm ẩn các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như nhược điểm về hạ tầng cộng với tác động của môi trường; khiếm khuyết của phương tiện và do lỗi của người tham gia giao thông.
Năm 2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 32 “điểm đen” về tai nạn giao thông, trong đó 11 điểm có nguyên nhân từ hạ tầng. Cụ thể, do thiết kế chưa khoa học, thiếu các yếu tố cảnh báo về an toàn giao thông (thiếu biển báo, vạch sơn, hộ lan, đèn đường, đường cong khuất tầm nhìn, bị xuống cấp do tác động của môi trường, lạc hậu...) đã tạo ra các "điểm đen" về tai nạn giao thông.
Với chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng có liên quan, đến đầu năm 2019 trên địa bàn Hà Nội đã giảm xuống còn 21 “điểm đen” về tai nạn giao thông và đến nay tiếp tục giảm xuống chỉ còn 6 “điểm đen”. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông của Hà Nội năm 2018 cũng như 6 tháng đầu năm 2019 đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, việc khắc phục những “điểm đen” về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặt khác, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Hà Nội, lượng phương tiện giao thông không ngừng tăng kéo theo nhu cầu đi lại của người dân cũng tăng cao, gây áp lực với giao thông.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng một bộ phận không nhỏ người dân chưa có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ; sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông... Tất cả góp phần tạo ra những "điểm đen". Và, việc xóa các "điểm đen" phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông.
Để làm được điều đó, trước tiên, các đơn vị chức năng liên quan của thành phố cũng như các địa phương cần khẩn trương rà soát, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông còn tồn tại. Trong đó, cần bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu, gờ giảm tốc nhằm bảo đảm tầm nhìn, bán kính đường cong, đặc biệt tại các vị trí giao cắt giữa các tuyến đường liên huyện, liên xã, đường giao thông nông thôn với các tuyến đường cao cấp hơn.
Cùng với đó, cần tiến hành lắp đặt, bổ sung một số chốt đèn tín hiệu chỉ huy giao thông tại các nút giao thông nguy hiểm; kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Đồng thời, phối hợp với ngành Đường sắt rà soát tất cả các điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt để lắp đặt hệ thống cảnh báo và tổ chức trạm gác chắn... Bên cạnh đó, cần kiên quyết giải tỏa những vi phạm hành lang giao thông, làm cản trở và hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Cùng với việc khắc phục kịp thời những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông, xóa các "điểm đen" về tai nạn giao thông, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông bằng việc thực hiện nghiêm những quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Nói cách khác, để xóa những “điểm đen” tai nạn giao thông trên thực địa, thì trước hết phải xóa những “điểm đen” trong ý thức tuân thủ luật pháp của người tham gia giao thông. Xóa "điểm đen" phải là nhiệm vụ số 1 không chỉ với các cơ quan chức năng mà cả trong ý thức mỗi người tham gia giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.