(HNM) - Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), sáng 3-10, lễ khai mạc Trưng bày sách, báo “Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình” đã được tổ chức tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hà Nội). Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về việc lựa chọn chủ đề “Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình” cho đợt trưng bày này?
- Đây thực sự là một chủ đề gợi cảm hứng cho người làm nghề. Thông qua việc trưng bày gần 500 đầu sách, báo được chọn lọc trong vốn tài liệu quý giá của Thư viện Hà Nội cho chủ đề này, chúng ta không chỉ có dịp ôn lại những chặng đường vẻ vang của Thủ đô Hà Nội suốt 65 năm qua, mà đây còn là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Thêm nữa, năm nay đánh dấu mốc son tròn 20 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Thành phố Vì hòa bình”, vì vậy, bên cạnh những tư liệu giá trị về truyền thống lịch sử, về một giai đoạn gian lao nhưng đầy tự hào trong trang sử dân tộc, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu về những thành tựu tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đổi mới và phát triển.
Thông qua hoạt động trưng bày nhiều ý nghĩa này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần khơi dậy niềm tự hào về Thủ đô Hà Nội trong cả quá khứ và hiện tại, đang từng ngày gắn nhịp phát triển cùng đất nước; đồng thời, góp một hoạt động nhằm nuôi dưỡng văn hóa đọc trong cộng đồng, khẳng định ảnh hưởng và giá trị của sách, báo đối với đời sống xã hội.
- Việc lựa chọn tác phẩm trưng bày nhằm nêu bật tinh hoa, giá trị của vốn tài liệu quý giá mà Thư viện Hà Nội đang quản lý được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Thư viện Hà Nội là một địa chỉ văn hóa giàu truyền thống, được thành lập từ năm 1956. Tính đến nay, chúng tôi đã sưu tầm được vốn tài liệu quý giá, lên đến gần 700.000 tài liệu, trong đó có hơn 10.000 tài liệu liên quan trực tiếp đến Hà Nội, từ thời “đồ đá, đồ đồng” cho đến thời hiện đại. Trong kho tài liệu phong phú đó, chúng tôi đã tổ chức phân loại, chọn ra gần 500 tài liệu quý được sắp xếp theo 5 phần trưng bày, gồm: “Đường lối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp”, “Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam”, “Thủ đô Hà Nội - Vinh quang ngày trở về”, “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”, “Hà Nội - Truyền thống lịch sử và văn hóa”.
- Ngày khai mạc trưng bày đã thu hút rất đông học sinh các trường trung học cơ sở tham dự. Ông có thể “bật mí” cách làm của Thư viện Hà Nội trong việc này?
- Để sách, báo, các tài liệu quý được sưu tầm đến với bạn đọc một cách gần gũi thì cần chủ động trong cách tiếp cận. Vì vậy, trong sự kiện trưng bày này, Ban Tổ chức đã mời đồng nghiệp các Khoa Thư viện Thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Khoa Văn hóa Thông tin và Xã hội, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Câu lạc bộ Thơ nhà giáo, đoàn viên các chi đoàn kết nghĩa với Thư viện Hà Nội, đặc biệt là học sinh Trường Trung học cơ sở Trưng Vương và đông đảo bạn đọc Thư viện Hà Nội cùng tham dự, qua đó, tăng cường giao lưu, trao đổi, lan tỏa ý nghĩa của sự kiện đối với cộng đồng. Tôi nghĩ, với thế hệ trẻ, đây cũng là một cách hữu hiệu để dần từng bước hình thành thói quen đọc, biết lựa chọn sách hay, sách quý để nghiên cứu và tìm hiểu.
- Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các thư viện đang chịu áp lực lớn trong việc đổi mới để thích ứng và tìm được vị trí xứng đáng trong lựa chọn của độc giả. Việc này được Thư viện Hà Nội thực hiện ra sao, thưa ông?
- Gắn nhịp cùng sự phát triển của Thủ đô và đất nước, đòi hỏi tự thân của các thư viện phải tự đổi mới, bắt đầu từ phương thức phục vụ bạn đọc, chủ động đưa sách, báo, tài liệu quý đến tay bạn đọc một cách dễ dàng và thuận tiện. Hiện tại, Thư viện Hà Nội đã áp dụng hình thức luân chuyển sách, chủ động đưa sách đến khu vực ngoại thành Hà Nội, vùng sâu, vùng xa. Kết hợp với đó là phương thức phục vụ sách lưu động, nghĩa là Thư viện Hà Nội bố trí xe thư viện lưu động để bổ sung sách vào các trường học, góp phần làm phong phú giờ đọc sách của học sinh tại thư viện. Bên cạnh đó, chúng tôi đang từng bước số hóa theo lựa chọn ưu tiên. Trong đó, ưu tiên số 1 là tài liệu viết về Hà Nội để phục vụ bạn đọc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.