Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên những điều tốt đẹp...

Gia Khánh| 28/06/2021 06:41

(HNM) - 1. Thời gian qua, tình trạng sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt, cổ xúy lối sống lệch chuẩn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của xã hội, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên trở nên phức tạp.

Việc định hướng cho học sinh sử dụng mạng xã hội một cách tích cực sẽ góp phần loại bỏ sự lệch chuẩn về hành vi, nhận thức.

Nổi lên là việc một số đối tượng hình sự sử dụng mạng xã hội đăng tải clip có phát ngôn, hình ảnh hành động nhảm nhí, bạo lực, coi thường pháp luật… lại thu hút lượng theo dõi đông đảo, trở thành “thần tượng” của không ít người trẻ. Hiện tượng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lệch chuẩn trong nhận thức, thái độ tiếp cận đối với những hành vi trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, tạo ra tư duy cực đoan, lệch lạc trong sự phát triển nhân cách.

Cũng nguy hại không kém, mạng xã hội bị lợi dụng thành diễn đàn công kích cá nhân, tổ chức; bêu xấu, hạ nhục, xúc phạm danh dự của người khác. Và thường những cuộc livestream (phát trực tiếp) hay bài viết dạng này cũng thu hút lượng người theo dõi, đọc, bình luận, chia sẻ đông đảo, thậm chí với thái độ hả hê, bất chấp thông tin đó chưa được kiểm chứng đúng sai và hậu quả mà cá nhân, tổ chức bị "tấn công" là vô cùng nặng nề.

Ngoài ra, còn không ít thông tin thiếu chính xác, bịa đặt làm rối loạn dư luận xuất hiện trên mạng xã hội, mà điển hình là trong các đợt bùng phát dịch Covid-19. Đã có hàng trăm người bị xử phạt vi phạm hành chính do đưa tin sai sự thật chỉ vì mục đích “câu view”, "câu like" để bán hàng.

Vậy tại sao đối tượng hình sự lại trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, nơi có đủ các tầng lớp xã hội khác biệt về lối sống, trình độ? Tại sao những clip nhảm nhí, đầy tính côn đồ lại thu hút người xem? Tại sao thông tin giả, xúc phạm cá nhân, tổ chức lại có “đất sống” và lan truyền với tốc độ nhanh chóng?... Phải chăng là vì nhận thức của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội còn “non nớt”, cả tin, khi mạng xã hội chính là cuộc sống thu nhỏ mà ở đó có đủ cả sự tò mò, ghen ghét, đố kị, a dua theo đám đông?… Phải chăng, việc phê phán hiện tượng, hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội còn chưa đủ; việc xử lý vi phạm trên mạng xã hội chưa mạnh; hành động, phát ngôn gây sốc, lệch chuẩn không phải chịu trách nhiệm; người đưa tin thì bịa đặt, người chia sẻ lại không cần kiểm chứng...

2. Không phủ nhận những mặt hữu ích của mạng xã hội trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu thông tin ngày càng cao. Song, rõ ràng mạng xã hội cũng là “con dao hai lưỡi” nếu không có những quy tắc, luật lệ điều chỉnh hành vi của người tham gia.

Một trong những cách chấn chỉnh, đó là bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17-6-2021. Bên cạnh hệ thống văn bản pháp luật để xử lý vi phạm, đây là quy chế “mềm” dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội, mỗi người phải tuân thủ để bản thân nhận được sự ứng xử văn hóa trên không gian mạng và tạo sự đồng thuận cùng xây dựng một cộng đồng văn minh.

Cụ thể, đó là những hướng dẫn để người dùng tôn trọng nhau, tôn trọng những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, ứng xử, khuyến khích thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người, của xã hội nói chung và cộng đồng mạng nói riêng. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của nhà cung cấp dịch vụ trong việc xử lý hành vi, nội dung thông tin lệch chuẩn.

Thực tế, mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ hoàn toàn dù quy định pháp lý có nghiêm ngặt đến đâu. Vì thế, bộ quy tắc thể hiện ngắn gọn những quy định trong các bộ luật liên quan đến quản lý thông tin trên không gian mạng, đi kèm khuyến nghị, khuyến cáo người sử dụng, từ đó xây dựng thói quen, ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội. Bộ quy tắc như ranh giới mà nếu người dùng bước qua sẽ phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật.

Với tính chất là quy chế “mềm” dựa trên nguyên tắc hướng dẫn, tuân thủ tự giác, nên bộ quy tắc này cần được phổ biến rộng rãi đến từng cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội. Trước hết, mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức căn cứ tình hình thực tế, chức năng, nhiệm vụ có thể đưa ra quy tắc đặc thù phù hợp với tình hình đơn vị, làm cơ sở thực hiện. Có biết, có hiểu thì mới thực hiện tốt. Nhiều người cùng biết, cùng thực hiện thì mới tạo ra được sự đồng thuận. Có như vậy, bộ quy tắc mới đi vào cuộc sống.

Mặt khác, để loại bỏ sự lệch chuẩn về hành vi, nhận thức, cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi, xử lý nghiêm đối tượng đăng phát clip, bản tin vi phạm đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật… trên không gian mạng; đồng thời, định hướng giá trị chuẩn mực để người dùng mạng xã hội hướng đến và nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên những điều tốt đẹp...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.