Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên giá trị tốt đẹp

Quỳnh Anh| 17/05/2020 06:08

(HNM) - Trong nhiều năm qua, việc sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được sự hưởng ứng sâu rộng của giới văn nghệ sĩ cả nước. Nổi bật phải kể đến Giải thưởng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020, đã có tới 6.000 tác phẩm dự thi. Con số này khẳng định sức hút mãnh liệt, đặc biệt hấp dẫn của chủ đề sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống văn học, nghệ thuật ở nước ta.

Thực tế cho thấy, các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề về Bác Hồ luôn được thể hiện bằng lối kể dung dị, gần gũi. Nhờ vậy, các tác phẩm có sức sống, sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Các sáng tác đều hướng đến cái đẹp, sự nhân văn và đạo đức cách mạng trong sáng, góp phần lan tỏa, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những việc làm thiết thực trong học tập và làm theo Bác.

Và trên hết, các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã góp phần quan trọng đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt chính trị, văn hóa tích cực, thường xuyên trong đời sống xã hội. Đây cũng là vấn đề cần được các cấp, ngành, nhất là những văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc để phát huy hiệu quả ngòi bút, sự sáng tạo của mình phục vụ công chúng. Điều quan trọng là làm thế nào để tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội và mọi tầng lớp nhân dân.

Muốn vậy, quá trình sáng tác, sáng tạo tác phẩm, trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng là phải thấu hiểu các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc thường xuyên tìm tòi học tập, nghiên cứu… Giới văn nghệ sĩ cần đặt cả trái tim vào tác phẩm, coi mỗi tác phẩm không chỉ là thành quả lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật mà còn góp phần khẳng định giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Cùng với đó, nội dung các tác phẩm cần thể hiện được sự tìm tòi, phát hiện; sự chân thật, giản dị, gắn với đời sống xã hội để có thể dễ đi vào lòng người.

Đối với các cấp, ngành chức năng, tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm. Trong đó, quan tâm đến cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời với các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về đề tài tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua các kênh khác nhau, đẩy mạnh việc thông tin, quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến công chúng, kết hợp với việc đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.

Một việc quan trọng nữa là từ những việc làm tốt, mô hình hay, cá nhân điển hình... xuất hiện trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cần lấy đó làm tấm gương để nhân rộng trong cộng đồng. Việc này vừa giúp tác phẩm được công chúng đón nhận nhiệt tình, vừa thể hiện được vai trò của văn học, nghệ thuật trong quá trình lan tỏa, nhân rộng người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến.

Mỗi người dân, mỗi cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác, từ đó nhân lên nhiều việc tốt, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Việc này rất có ý nghĩa, là chất liệu phong phú để các văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm mới, gần gũi với đời sống hơn.

Với mạch nguồn không vơi cạn, những sáng tác văn học, nghệ thuật về Bác Hồ sẽ được gìn giữ và nhân lên theo năm tháng, giúp thế hệ ngày nay hiểu hơn về cuộc đời của Người, từ đó không ngừng phấn đấu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên giá trị tốt đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.