(HNM) - Sau khi thông tư hướng dẫn việc cho vay ưu đãi đối với dự án nhà xã hội và đối tượng được hưởng ưu đãi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có hiệu lực, hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố lớn đã được khởi công.
Tại Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công ty CP BIC Việt Nam đã động thổ dự án khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai). Đây là dự án thuộc quỹ đất 20% của thành phố, có diện tích 2,2ha trong tổng diện tích 49ha Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm. Với 6 tổ hợp chung cư cao từ 9 đến 18 tầng, tổng diện tích xây dựng khoảng 75.000m2, dự án sẽ cung cấp 1.037 căn hộ vào năm 2015 cho quỹ nhà ở xã hội của TP Hà Nội. Cùng với HUD, Tổng Công ty Viglacera - một doanh nghiệp lớn khác của Bộ Xây dựng - đã động thổ dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm). Dự án triển khai trên 5 ô đất, tổng diện tích 6,2ha, cung cấp 2.500 căn hộ (tương đương 160.000m2 xây dựng) vào năm 2015. Đáng chú ý, các công trình được thiết kế cao 6 tầng có thang máy, cơ cấu căn hộ diện tích nhỏ 33m2- 44m2- 55m2, với giá bán dự kiến dưới 9 triệu đồng/m2, mức giá được coi là thấp nhất, hấp dẫn nhất và thực sự phù hợp với các đối tượng thu nhập thấp hiện nay.
Khu nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Bộ Xây dựng, đến cuối tháng 5-2013, cả nước đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng, với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.900 tỷ đồng; trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô 33.000 căn hộ, 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân các khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ. Điển hình là những dự án lớn như nhà ở an sinh xã hội Bình Dương do Becamex IDC Corp làm chủ đầu tư có quy mô 64.000 căn hộ, đã hoàn thành 4.700 căn hộ; dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) do Tổng Công ty IDICO (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, quy mô 20.000 căn hộ. Ngoài các dự án mới khởi công tại Hà Nội, còn có các dự án mới khởi công tại TP Hồ Chí Minh (Hoàng Quân Plazza, Khu đô thị Nam Sài Gòn…), TP Quy Nhơn - Bình Định (do Tổng Công ty FICO làm chủ đầu tư), TP Vinh - Nghệ An… Cùng với đó, 47 dự án nhà ở thương mại khác đã đăng ký chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội (Hà Nội có 21 dự án, TP Hồ Chí Minh 23 dự án…) và hàng chục dự án nhà ở thương mại xin cơ cấu lại diện tích căn hộ cho phù hợp với đối tượng thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng kỳ vọng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội và việc khởi công hàng loạt dự án sẽ giải quyết vấn đề thiếu nhà ở cho người lao động hưởng lương, người thu nhập thấp, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, kích thích các ngành liên quan (như xây lắp, vật liệu…) phát triển, tác động tích cực tới tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Qua các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng quyết tâm "phủ kín" nhà ở cho các đối tượng còn khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, có thực tế khiến không ít người băn khoăn là dường như những dự án triển khai vừa qua đang chạy theo mục tiêu số lượng hơn là cân nhắc đến hiệu quả và tính khả thi? Đơn cử, trong 3 dự án nhà ở xã hội mới động thổ tại Hà Nội đầu tháng 6, chỉ có dự án Tây Nam Linh Đàm được kỳ vọng thành công bởi vị trí thuận lợi, trong tổng thể khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm với các khu dân cư hiện hữu đầy đủ hạ tầng kỹ thuật - xã hội…
Trong khi đó, dự án đầu tiên chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội Sunny Garden do C.E.O làm chủ đầu tư nằm ở địa bàn huyện Quốc Oai, cách Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mễ Trì - Từ Liêm) 14km, hạ tầng kỹ thuật - xã hội chưa đồng bộ. Hay dự án của Viglacera, mặc dù thụ hưởng hạ tầng chung hoàn chỉnh của Khu đô thị Đặng Xá nhưng khoảng cách về trung tâm thành phố cũng khá xa nên người ta lo ngại sẽ khó hấp dẫn người mua.
Thực tế, tại Khu đô thị Đặng Xá, Viglacera đã có dự án nhà thu nhập thấp với giá bán thấp nhất trong các dự án cùng loại nhưng qua mười mấy đợt mở bán vẫn chưa "tiêu thụ" hết sản phẩm. Có lẽ cũng vì lo ngại điều đó mà khi dự lễ động thổ nhà xã hội tại Đặng Xá, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở, ngành thành phố nghiên cứu mở thêm tuyến xe buýt vào tận khu đô thị để phục vụ nhân dân. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng một khu đô thị nhà ở xã hội quy mô lớn, có kết nối hạ tầng hoàn chỉnh với các khu chức năng và trung tâm thành phố. Ở xa trung tâm mới có giá rẻ, nhưng bên cạnh giá rẻ thì việc thuận lợi trong sinh hoạt hằng ngày cũng là yếu tố quyết định đến hiệu quả, tính khả thi của dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.