Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo Xuân Thủy và những đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam

Hoàng Lân| 14/06/2023 09:52

(HNMO) - Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985).

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã nêu bật những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với nền báo chí cách mạng Việt Nam.

90 năm trước, người thanh niên Xuân Thủy đã khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình bằng nghề báo khi làm cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như Trung Bắc Tân văn, Hà thành Ngọ báo... Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Năm 1941, bị thực dân Pháp cầm tù, ông vẫn tạc được một dấu son của báo chí với tờ báo mang tên Suối Reo. Từ năm 1944, ông làm chủ nhiệm, chủ bút Báo Cứu Quốc của Việt Minh, vừa lãnh đạo báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng… Dưới sự lãnh đạo của nhà báo Xuân Thủy, Cứu Quốc trở thành tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất cả nước lúc bấy giờ.

Trưng bày các hình ảnh và hiện vật về nhà báo Xuân Thủy.

Uy tín, ảnh hưởng của Báo Cứu Quốc gắn liền với tài năng viết báo, tổ chức làm báo và tập hợp người tài của Xuân Thủy. Lịch sử vẻ vang của Báo Cứu Quốc với vai trò là ngọn cờ trên mặt trận tư tưởng, ngọn cờ tập hợp quần chúng, có đóng góp to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, vào sự nghiệp Kháng chiến, kiến quốc, gắn liền với tài năng xuất chúng của Chủ nhiệm Xuân Thủy. Ông cũng chính là người chủ trì hợp nhất Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng, đặt tên báo là “Đại Đoàn Kết”, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.

Giai đoạn đầu cuộc kháng chiến 9 năm, để kịp thời phục vụ sự nghiệp cứu quốc, Đoàn Báo chí Kháng chiến lâm thời được thành lập do ông Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. Đến năm 1948, nhà báo Xuân Thủy trở thành Chủ tịch của tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay.

Ngày 21-4-1950, ông đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Đại hội họp tại hội trường Báo Cứu Quốc và bầu chủ nhiệm Báo Cứu Quốc Xuân Thủy làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thủy chính thức giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ đó đến năm 1962.

Trưng bày các số báo Cứu Quốc có dấu ấn đóng góp của nhà báo Xuân Thủy.

Khi nước nhà thống nhất, ngày 7-7-1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam thành một tổ chức báo chí duy nhất, hoạt động trên phạm vi cả nước, lấy tên chính thức là Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.

Tháng 7-1950, Ðại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Từ tháng 5-1968, Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Tại 248 phiên họp công khai của Hội nghị Paris, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy với lý lẽ đanh thép, kết hợp thái độ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo đã luôn giành thế chủ động và thuyết phục được các nhà quan sát. Bên lề hội nghị, chúng ta có gần 500 cuộc họp báo lớn nhỏ, thường xuyên và không thường xuyên và hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn. Xuân Thủy không chỉ chủ trì các cuộc họp báo lớn và họp báo thứ năm hằng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo, các hãng thông tấn Mỹ phương Tây và xã hội chủ nghĩa.

“Không chỉ là chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, Xuân Thủy còn là nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế... Ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định.

Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận của các đại biểu đã làm rõ hơn chân dung của nhà báo Xuân Thủy cùng những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp báo chí cách mạng và ngoại giao của đất nước.

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu, khách mời được xem bộ phim tài liệu “Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện. Đồng thời, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam trưng bày chuyên đề về nhà báo Xuân Thủy gồm phần hình ảnh và hơn 20 tài liệu, hiện vật bản gốc gắn với nhà báo Xuân Thủy lúc sinh thời…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Xuân Thủy và những đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.