98 năm trước, ngày 21-6-1925, Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, trước khi Đảng ta ra đời 5 năm. Điều đó cho thấy Bác Hồ đã coi báo chí là vũ khí đặc biệt quan trọng của sự nghiệp cách mạng.
Sáng ngời tinh thần dấn thân và cống hiến
“Nhà báo” là một danh xưng nghề nghiệp đáng trân trọng, là sự trao truyền thiêng liêng và quý giá. Trải qua chặng đường lịch sử 98 năm, chúng ta tự hào có một nền báo chí cách mạng, nhân văn, được xây đắp nên bởi những người làm nghề chính trực, tràn đầy tinh thần cống hiến. Họ hằng ngày, hằng giờ âm thầm dấn thân với nghề vì chính nghĩa, lẽ phải trên đời, góp phần xây dựng một nền báo chí vì con người và tôn trọng con người, vì đất nước và nhân dân.
Báo chí đã có những đóng góp to lớn, rất đáng tự hào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, báo chí luôn là lực lượng tiên phong phản ánh thực tiễn sinh động, cổ vũ nhân rộng các điển hình tiên tiến, phản biện có tính xây dựng để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh, bổ sung chủ trương, chính sách quốc kế dân sinh. Báo chí kịp thời phê phán những quan điểm sai trái, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta. Là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, đội ngũ người làm báo Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Nhiều nhà báo và tập thể cơ quan báo chí đã thể hiện phẩm chất dấn thân, quả cảm, kiên quyết đấu tranh vì công lý và lẽ phải, theo đuổi tới cùng để góp phần xử lý có hiệu quả những vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời bình, vẫn có những cuộc chiến đấu âm thầm nhưng rất quyết liệt. Đó là cuộc đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ cái mới, chống lại những gì cản trở con đường phát triển của đất nước. Bằng lòng tự trọng nghề nghiệp, nhiều nhà báo đang nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn, tiếp tục dấn thân, miệt mài với cây bút, có người đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Sự chia sẻ và bày tỏ cảm xúc từ cộng đồng xã hội cho thấy, người làm báo chân chính vẫn luôn nhận được sự trân trọng và niềm tin yêu.
Bẻ cong ngòi bút: Điều nguy hại nhất
Bên cạnh những cống hiến của số đông những người làm báo, đã và đang xuất hiện những biểu hiện thiếu chuẩn mực, không liêm chính rất đáng lo ngại trong hoạt động báo chí.
Có nơi, hầu như các hoạt động của tòa soạn đều hướng theo mục đích gia tăng lượng độc giả, tìm mọi chiêu thức để làm “nóng” sự việc, rút tít giật gân, ly kỳ, chăm chăm vào chuyện “tiền, tình, tù, tội”, moi móc chuyện đời tư... Những kiểu thông tin như vậy tạo cho công chúng cảm giác bức bối, làm ô nhiễm môi trường tinh thần, văn hóa xã hội và ngôn ngữ tiếng Việt.
Trầm trọng nhất chính là vi phạm tính chân thực của báo chí. Giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí là sự chính trực. Chân thực không có nghĩa là miêu tả tỉ mỉ, phơi bày hết mọi chuyện lên mặt báo mà là phải chỉ ra đúng bản chất sự việc bằng sự khách quan, công tâm. Thế nhưng, có hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai bản chất, có hiện tượng xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức...
Thách thức gay go nhất đối với nhà báo là khi xác định phanh phui một sự thật đen tối nào đó, nhà báo có thể sẽ phải đối diện với những cạm bẫy tinh vi, những cám dỗ ngọt ngào nhằm mục đích để nhà báo che đậy sự thật, làm méo mó sự thật, thậm chí bịa đặt, vu khống. Cám dỗ nhà báo có thể là lợi ích vật chất, cũng có thể là hứa hẹn công danh, có thể là vun đắp các mối quan hệ cho bản thân nhà báo và cả những người thân nhà báo... Nghe thì ngọt ngào, nhưng khi đã trượt vào cạm bẫy cám dỗ, nhà báo sẽ bị thao túng, sai khiến, bẻ cong ngòi bút...
Bẻ cong ngòi bút vì những mục đích không trong sáng là điều nguy hại nhất!
Một số nhà báo ảo tưởng về nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi, “đánh hội đồng”, dọa dẫm, ép doanh nghiệp, để kẻ xấu lợi dụng... Khi người làm báo không được rèn luyện, tu dưỡng trong môi trường nghề nghiệp chuẩn mực thì dẫn đến năng lực thẩm định, nhìn nhận vấn đề cũng kém cỏi, dễ thỏa hiệp, phán xét hồ đồ, thiếu phẩm chất dấn thân, dễ dẫn đến sai phạm từ nhỏ tới mức nghiêm trọng.
Có hiện tượng nhà báo chuyển từ “đánh đấm” trên báo chí sang “đánh đấm” trên mạng xã hội. Cái đúng, cái tốt thì vùi dập, cái sai thì a dua, cổ vũ, thậm chí phát tán, đưa bình luận sai lệch, thu hút hàng nghìn like, hàng trăm bình luận khác theo hướng tạo luồng dư luận không tốt. Có những nhà báo giỏi biện luận, nhưng do bản lĩnh chính trị không vững vàng, đạo đức không trong sáng lại “ảo tưởng về quyền lực”, vị trí của mình nên sa vào suy thoái. Bản thân báo chí đã và đang chịu những thách thức lớn trước sự lấn lướt của mạng xã hội thì lại còn bị mất niềm tin bởi những trang báo thiếu trung thực, khiến độc giả tự đi tìm kiếm thông tin trong biển thông tin xô bồ, hỗn tạp. Những hiện tượng tiêu cực đó đang góp phần làm lung lay giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, sụt lở niềm tin xã hội, làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí, làm tổn thương lòng tự trọng của những người làm báo chân chính.
Nhà báo là những người có tri thức, tinh thần phản biện và hoài nghi rất cao. Nhưng dù nhìn nhận sự việc theo cách đa chiều thế nào thì cũng cần thấy rằng phản biện là để xây dựng, luôn phải trên tinh thần khách quan, khoa học và có văn hóa. Không thể nhân danh tự do ngôn luận, nhân danh dân chủ nhưng thực chất là bẻ cong ngòi bút bằng ngôn ngữ biện luận lắt léo, dẫm đạp lên những giá trị nhân văn, quay lưng lại lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng.
Bản thân trong mỗi người làm báo cũng đang phải tự chiến đấu để bảo vệ các giá trị tích cực và trong nội bộ giới báo chí cũng có sự đấu tranh để gạt bỏ cái xấu, cái tiêu cực, để giữ gìn và nhân lên những giá trị tích cực của danh xưng cao quý - nhà báo, nghề báo theo tinh thần của 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Nội dung hay Công nghệ - Vua hay Nữ hoàng?
Có những dự báo không tươi sáng về vai trò và tương lai của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Người ta lo lắng rằng với sự lên ngôi của mạng xã hội, báo chí đang dần dần mất vai trò, thậm chí có những lời cảnh báo là đến một lúc nào đó báo in sẽ cáo chung. Sự hội tụ của kỹ thuật số, sự ra đời của hàng loạt công nghệ truyền thông mới đã ảnh hưởng đến cách thức sản xuất, phát hành báo chí và tái định hình lại toàn bộ nguyên lý của ngành công nghiệp truyền thông. Ở nước ta, kinh tế báo chí là vấn đề còn gây nhiều lúng túng, đặt ra những bài toán mà cả các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí cũng phải tìm lời giải, tìm hướng đi. Trong khi báo in sụt giảm phát hành, báo trực tuyến, truyền hình được đầu tư về công nghệ nhưng vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh, nguồn thu quảng cáo trực tuyến dịch chuyển mạnh về các nền tảng xuyên biên giới (chiếm tới khoảng 80%).
Trước tình hình đó, giới báo chí không ngồi yên hứng chịu những sức ép ấy mà luôn luôn tìm cách vượt qua với tinh thần “sức ép càng mạnh, thì càng phải nỗ lực” để khẳng định vai trò và sức mạnh của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã thành công xây dựng theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, tòa soạn hội tụ, khai thác triệt để sức mạnh của báo chí trực quan, kết hợp những hình thức báo chí phong phú và mang tính kỹ thuật số nhiều hơn.
Cách đây 6 năm, tôi đã dẫn đầu đoàn một số tổng biên tập đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tổ chức tòa soạn hội tụ ở Anh. Chúng tôi đến thăm báo Telegraph, hãng Thông tấn AP và Đài BBC. Đây thực sự là những cơ quan đa phương tiện ở trình độ cao, thậm chí như AP ngay từ lúc đó đã dùng robot, tức trí tuệ nhân tạo để viết bài. Nhưng, đúng như Beth Rigby, phóng viên thời sự của tờ Sky News của Mỹ từng nhận định, những câu hỏi “ai, cái gì, ở đâu và bao giờ” trong báo chí có thể thay đổi với trí tuệ nhân tạo nhưng câu hỏi “vì sao” thì vẫn cần sự tương tác với con người.
Cần nhận thức rõ rằng, để báo chí vượt qua thách thức trong thời đại kỹ thuật số, giải pháp không chỉ là công nghệ mà đòi hỏi phải có đội ngũ những cây bút giỏi, những bài viết chuyên sâu, những sản phẩm báo chí có chất lượng tương thích với công nghệ thời đại kỹ thuật số. Nghĩa là, lối làm báo truyền thống không hẳn là hoàn toàn mất giá trị nhưng đòi hỏi phải được vận hành trong một điều kiện công nghệ mới. Xu hướng báo chí đua nhau trong việc ai nhanh hơn không còn là lợi thế, mà lợi thế thuộc về ai bình luận hay hơn, sâu hơn, ai phân tích, kiến giải tốt hơn, ai dự báo chuẩn xác hơn. Để báo chí khẳng định được sức mạnh, thì không đơn thuần là việc có sử dụng được công nghệ tiên tiến nhất hay không mà quan trọng hơn là việc báo chí có tỏ rõ được sự tin cậy, tính thuyết phục hay không. Trong “cuộc đua” này, chúng ta không chỉ “đua” bằng công nghệ, mà cốt lõi vẫn phải dùng tinh thông nghề nghiệp, phẩm giá, đạo đức nghề nghiệp để tỏ rõ tính vượt trội.
Nội dung là trái tim của báo chí. Có người nói, nếu nội dung là “Vua”, thì công nghệ là “Nữ hoàng”. Một tác phẩm báo chí xuất sắc về nội dung lại được truyền tải trên nền tảng công nghệ tiên tiến thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.
Lửa chiến đấu, lửa yêu thương
Cùng với tính chiến đấu, báo chí cần thấm đẫm tính nhân văn. Tính chiến đấu và tính nhân văn phải luôn song hành, đan hòa trong các tác phẩm báo chí. Chẳng hạn, khi viết bài phê phán, người cầm bút luôn phải đánh giá được sức lan tỏa, mức độ ảnh hưởng đến đối tượng được phản ánh và những người có liên quan. Phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, không nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất, kiên định bảo vệ công lý và lẽ phải, nhưng luôn tôn trọng nhân phẩm. Đằng sau mỗi tác phẩm báo chí là số phận, sinh mệnh của một con người, danh dự, uy tín một gia đình, dòng họ, đơn vị, địa phương, công ăn việc làm, đời sống mưu sinh của biết bao người. Tinh thần quả cảm và trái tim nhân ái, sự thấu cảm là điều rất cần ở người làm báo.
Tính cách mạng của báo chí nằm ở sức chiến đấu và tính nhân văn. Chiến đấu để bảo vệ cái đúng, cái tốt, chống cái ác, cái xấu. Để báo chí thực sự cách mạng như nghĩa rất đẹp của từ này, đòi hỏi nhà báo phải rất bản lĩnh, sáng tạo và kiên định với lý tưởng và giá trị cao đẹp của nghề báo mà mình đã theo đuổi và dấn thân, chuyên tâm kể những câu chuyện độc đáo bằng những cách thức lôi cuốn, dễ chịu. Không cần gây sốc mà vẫn hấp dẫn. Thách thức là ở đó và thành công cũng là ở đó. Với những gì mà báo chí đang hướng đến, thực chất là quay về với giá trị cốt lõi, chúng ta tin tưởng rằng, một nền báo chí cách mạng, nhân văn, thấu hiểu, trí tuệ và nhiều kiến giải vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Trong tình trạng “hỗn mang” thông tin chưa được khắc phục của kỷ nguyên số thì sức thuyết phục, độ tin cậy trên nền tảng công nghệ chính là con đường sống của báo chí!
Báo chí chính là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa, và ngược lại, văn hóa lại là môi sinh của báo chí. Chính vì thế, giữa văn hóa và báo chí là mối quan hệ hữu cơ gắn bó hết sức mật thiết. Nhà báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, mỗi sản phẩm báo chí chất lượng cao chính là một sản phẩm văn hóa có tác động truyền tỏa ra xã hội. Các nhà báo ngoài trách nhiệm thông tin thì còn có một trách nhiệm lớn hơn nữa là truyền tỏa giá trị văn hóa. Chính về thế, một sản phẩm báo chí chất lượng cao luôn luôn được nhìn nhận như là một sản phẩm văn hóa.
Để thực hiện sứ mệnh truyền tỏa văn hóa, người làm báo cần đủ ba yếu tố quan trọng nhất: Bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông trong nghề nghiệp và trong sáng đạo đức nghề báo. Sự chính trực, trách nhiệm xã hội và lương tâm của người làm báo là yếu tố cốt lõi, sống còn của nghề báo. Trên phương diện trách nhiệm, lương tâm, khi đưa một thông tin ra xã hội, chúng ta phải đo lường được thông tin này sẽ tác động thế nào, để đảm bảo tính nhân văn của báo chí luôn được xuyên suốt mạnh mẽ, sâu sắc trong toàn bộ quá trình làm báo, từ khi chúng ta tiếp cận tư liệu, xử lý tư liệu, rồi hình thành tác phẩm báo chí và lan truyền ra xã hội.
Cho dù dưới định chế của pháp luật hay quy định về đạo đức thì báo chí vừa phải nâng cao tính chiến đấu vừa phải nêu cao tính nhân văn, hướng về con người và tôn trọng con người. Nhìn rộng ra, thế giới hiện đại đang rối bời và mệt mỏi bởi sự hỗn loạn về thông tin. Nhân loại không cần những người thành công bằng mọi giá, bằng cách sẵn sàng làm tổn hại lợi ích chung, làm tổn thương người khác. Xã hội đang cần những con người có thể xoa dịu những nỗi đau, an ủi và hàn gắn những vết thương. Dù ngợi ca những điều tốt đẹp hay đấu tranh chống lại những điều xấu xa thì sứ mệnh cao quý của báo chí vẫn là làm cho niềm tin vào công lý và lẽ phải là ánh sáng trong cuộc đời này!
Báo chí Việt Nam đang trải qua một cuộc chuyển mình sâu sắc và mạnh mẽ chưa từng có về cách thức làm nghề và phương thức làm nghề. Tôi nghĩ, cách thức làm nghề và phương thức làm nghề có thể khác và cần phải khác với tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng, nhưng tâm thế làm nghề, lý tưởng làm nghề và đạo đức làm nghề của chúng ta thì không thể khác. Chúng ta làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân.
Có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Kiến thức, thông tin ở trong đầu, và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho báo chí trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy, mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Trong “cơn bão” của thời đại số hóa, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng lối đi khác biệt, thông thái và độc đáo. Báo chí trí tuệ, báo chí chân chính, báo chí nhân văn vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn đặc biệt để giữ và chinh phục công chúng vì những giá trị đích thực và cao quý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.