(HNM) - Thế giới đang thay đổi và phát triển từng ngày. Kỷ nguyên số thực sự đang len lỏi tới từng ngõ ngách của đời sống, tác động tới thói quen, lối sống của mỗi con người. Cũng giống như các cơ quan báo chí trên cả nước, Báo Hànộimới đang đứng trước những cơ hội và thách thức giữa sự phát triển bùng nổ của kỷ nguyên số.
Làm thế nào để vượt qua khó khăn, thách thức, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và xa hơn có thể chinh phục những thành công mới? Đó là câu hỏi mà mỗi người làm báo Hànộimới phải quan tâm, tìm câu trả lời thích đáng để xứng đáng với truyền thống vẻ vang và sự yêu mến mà bạn đọc dành cho.
Giá trị truyền thống được vun trồng qua nhiều thế hệ
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới mà cách mạng đặt ra, ngày 26-2-1957, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-ĐBHN về việc "Xuất bản báo hằng ngày ở Thủ đô". Sau gần 8 tháng nỗ lực chuẩn bị, ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô đã chính thức ra mắt bạn đọc số đầu tiên.
Đầu năm 1959, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác báo chí và nhằm tăng thêm sức mạnh cho tờ báo, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo hợp nhất Báo Thủ đô với Báo Hà Nội hằng ngày. Chủ trương này được báo cáo trực tiếp lên Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật vinh dự, Người đã trực tiếp đặt tên cho tờ báo là Thủ đô Hà Nội.
Đầu năm 1968, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đã diễn ra, đánh dấu sự ra đời của cái tên Hànộimới. Đó là tờ Thời Mới - một tờ báo của các nhân sĩ trí thức tiến bộ lúc đó - đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết định sáp nhập với Báo Thủ đô Hà Nội. Lần thứ hai, tờ báo lại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặt tên. Báo Hànộimới là tên gọi chính thức tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô từ đó cho đến nay.
Vinh dự được Trung ương, Bác Hồ và Thành ủy Hà Nội quan tâm, chỉ đạo, động viên, gần 66 năm qua, các thế hệ làm báo Hànộimới đã phát huy truyền thống vẻ vang, niềm tự hào, vị trí, vai trò và trách nhiệm, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần gương mẫu, tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Trong mọi hoàn cảnh, Báo Hànộimới luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích; bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối thông tin giữa Đảng bộ, chính quyền với nhân dân Thủ đô; tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đất nước.
Hằng năm, Báo đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đóng góp quan trọng vào những thành tựu của Thủ đô Hà Nội anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng. Nhiều bài báo của Hànộimới đã được Bác Hồ đọc kỹ, biểu dương và tặng Huy hiệu của Người cho những tấm gương được nêu trên báo. Nhiều nhà báo Hànộimới còn xông pha lửa đạn, đi vào những khu vực chiến tranh ác liệt nhất để đưa tin, viết bài về chiến công anh dũng của quân và dân ta. Trong đó có nhiều người bị thương, có nhà báo đã anh dũng hy sinh tại chiến trường.
Từ trong khói lửa chiến tranh đến khi đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất, rồi đổi mới, hội nhập quốc tế, cái tên Hànộimới đã trở thành người bạn thân thiết của biết bao thế hệ người Hà Nội, hòa cùng nhịp đập tiến bộ, đi lên của Thủ đô, đất nước...
Khẳng định vị thế của cơ quan báo chí chủ lực
Từ ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Báo Hà Tây - một tờ báo có bề dày truyền thống hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành đã hợp nhất với Báo Hànộimới, tiếp tục lấy tên chung là Báo Hànộimới.
Từ đó đến nay, hơn 160 con người mang theo những nét văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác đã hội tụ dưới mái nhà chung Hànộimới trong ngôi nhà nhuộm màu năm tháng bên hồ Gươm huyền thoại.
15 năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống đáng tự hào của các tờ báo, các thế hệ làm báo của Hà Nội, Hà Tây đã dày công vun đắp, tập thể Đảng bộ và cơ quan tòa soạn Báo Hànộimới đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực của thành phố, xứng đáng là cơ quan của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Báo đã làm tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến, nhằm nâng cao nhận thức, tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, chủ trương, kế hoạch, quyết sách lớn của Trung ương và thành phố; phát hiện những mô hình, cách làm đổi mới, những nhân tố tiêu biểu, điển hình; giáo dục, hướng dẫn, tổ chức phong trào, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Báo Hànộimới còn tiên phong trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động đấu tranh chống quan điểm sai trái; làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, đóng góp tiếng nói quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, đất nước, ngày càng nâng cao vị thế, “thương hiệu” tờ báo của Đảng bộ Thủ đô trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thành phố và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Trước những vấn đề “nóng”, những vụ việc phức tạp, nhạy cảm..., Báo Hànộimới đã đi đầu trong định hướng dư luận nhân dân, thẳng thắn vạch trần những âm mưu, thủ đoạn, làm rõ trắng đen, góp phần thiết thực, hiệu quả giữ cho Hà Nội được bình yên. Báo Hànộimới còn tổ chức được nhiều hoạt động xã hội tích cực, hoạt động về nguồn, chia sẻ với đồng bào trong những hoàn cảnh khó khăn như chương trình “Lửa ấm về các miền quê”, "Quỹ Trái tim nhân ái", tổ chức Giải chạy “Báo Hànộimới - Vì hòa bình”...
Với vị trí là tờ báo Đảng địa phương, nhưng Hànộimới có sức vóc của một tờ báo mang tầm quốc gia. Năm 2014, Báo Hànộimới vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động. Đây là nguồn động viên to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi các thế hệ người làm báo Hànộimới nối tiếp phải không ngừng cố gắng, vươn lên.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự bất ổn về chính trị, kinh tế thế giới, Báo Hànộimới đã bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhất là 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, cùng 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội... Báo đã theo sát, phản ánh, tuyên truyền về các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, chủ động thông tin, tuyên truyền, đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống, đồng thời lắng nghe, tiếp thu, cung cấp những phản hồi đa chiều từ cuộc sống; chủ động phân tích, đánh giá thể hiện quan điểm, góc nhìn, đóng góp những giải pháp cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương...
Hòa nhịp cùng tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của thành phố, Báo Hànộimới tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí, tiếp tục xứng đáng là cơ quan báo chí chủ lực của thành phố; nổi bật là trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, cổ vũ, động viên tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, “nhiệm vụ kép”; duy trì 100% công tác xuất bản; có nhiều nét đổi mới nhằm linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình mới... Báo đã tập trung tuyên truyền sát với những nhiệm vụ chính trị của thành phố, trọng tâm là các chủ trương lớn của Thành ủy như: Hai nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và phát triển công nghiệp văn hóa, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, việc tổng kết và xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa với tổng vốn trên 49.200 tỷ đồng giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo; đề án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ...
Nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu trên các lĩnh vực; không chỉ khống chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19, mà còn duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước. Năm 2022, quy mô nền kinh tế Hà Nội đã đạt hơn 50 tỷ USD, bằng khoảng 1/8 cả nước; lần đầu tiên, tổng thu ngân sách thành phố vượt 300.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước; thu ngân sách đạt tới 185.000 tỷ đồng, bằng hơn 57% dự toán giao.
Có thể nói, trong thành tích chung của Thủ đô có một phần đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, trong đó có Báo Hànộimới.
Nhìn thẳng vào sự thật, tự tin hướng tới tương lai
Mặc dù vậy, Đảng ủy, Ban Biên tập cũng như toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, người lao động Báo Hànộimới luôn luôn thường trực một tinh thần cầu thị, cầu tiến. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và đặc biệt là quyết tâm đổi mới, chúng tôi nhận thấy rằng, kết quả, thành tích đạt được rất to lớn, đáng tự hào. Nhưng vẫn còn đó không ít những mặt còn hạn chế, tồn tại cần được phân tích, làm rõ để đề ra các giải pháp khắc phục, đưa Báo Hànộimới bước vào giai đoạn phát triển mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đang đặt ra.
Văn hóa đọc của người dân cũng đã thay đổi mang tính cách mạng, từ thụ động sang chủ động, từ thói quen chờ nhân viên bưu điện giao báo mỗi sáng và đọc các tin tức từ ngày hôm qua đến chủ động lựa chọn kênh, sóng, tờ báo, trang thông tin để tiếp cận. Họ có thể xem trực tiếp các sự kiện đang diễn ra ở xung quanh mình và khắp nơi trên thế giới bằng điện thoại thông minh (smartphone).
Trên thế giới, khủng hoảng số lượng phát hành đã tác động nặng nề đối với cả những tờ báo lớn nhất thế giới như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, New York World Journal Tribune, Financial Times; Newsweek; The Independent... Năm 2016, tờ The Independent của Vương quốc Anh, một tờ báo in lừng lẫy đã tuyên bố dừng in và chuyển 100% sang báo điện tử. Sau gần 80 năm hoạt động, Newsweek - một trong những tờ tạp chí uy tín nhất tại Hoa Kỳ - cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tập đoàn truyền thông News Corp của Australia cũng đã buộc phải đóng cửa hơn 100 tờ báo in ở địa phương...
Trước thực tế đó, Báo Hànộimới nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung đang đứng trước yêu cầu gắt gao phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, sâu sắc và bài bản. Trong quá trình đó, chúng ta xác định đổi mới phải lấy con người là trung tâm, là chủ thể, cụ thể ở đây là từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động...
Yêu cầu trước nhất là phải thống nhất nhận thức về sự cấp thiết, cấp bách hành động để thay đổi, đổi mới; coi đây là yếu tố sống còn đối với nghề nghiệp, đối với tờ báo. Trên cơ sở đó, từng cá nhân cần nỗ lực để tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng tâm thế đón nhận một cách hào hứng khi có điều kiện được học tập, được bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là phải tự trau dồi, nâng cao trình độ, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật tiên tiến, những phương tiện mới, cách làm báo mới, cùng tăng tốc để nhanh hơn, cùng nỗ lực để hay hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, giá trị hơn; sẵn sàng bắt “trend”, làm “SEO”...
Một điều căn bản, cốt yếu để làm được những điều ấy là người làm báo phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững tôn chỉ mục đích của tờ báo; thấm nhuần đạo đức của người làm báo; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; yêu nghề, bởi không yêu nghề thì không thể làm báo; phải có trách nhiệm, yêu thương con người, bảo vệ lẽ đúng, luôn học hỏi, sáng tạo...
Những người làm báo trong kỷ nguyên số đang phải đối mặt với 3 vấn đề. Đó là nội dung, công nghệ và kinh tế báo chí. Nếu có nội dung, có công nghệ nhưng không mang lại kinh tế báo chí thì cũng không thể tồn tại. Nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: Ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác... Đây là xu hướng tất yếu để các tờ báo đổi mới và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đi liền với cách thức tiêu dùng và thụ hưởng dịch vụ mới không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là hướng đi kích thích nhu cầu phát triển, vừa gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, vừa mở ra cơ hội cho sự phát triển của đơn vị báo chí, truyền thông.
Bên cạnh sự nỗ lực đổi mới không ngừng, sự vận động tự thân, báo chí nói chung, trong đó có Báo Hànộimới rất cần sự quan tâm một cách thiết thực từ các cấp, các ngành để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng, dẫn dắt dư luận; thông tin chính xác, minh bạch và khách quan, giúp công chúng có cái nhìn chuẩn xác về bản chất sự việc, không bị mạng xã hội dẫn dắt lệch chuẩn.
Là tờ báo Đảng địa phương có quy mô lớn nhất cả nước, Báo Hànộimới xem thách thức là cơ hội để thể hiện và khẳng định bản lĩnh vượt khó, phát triển. Thời gian tới, báo sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên. Đội ngũ người làm báo Hànộimới cần nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng tập thể, ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục đổi mới tư duy làm báo, quy trình, phương thức xử lý thông tin theo hướng hiện đại; đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phấn đấu trở thành tờ báo Đảng mạnh về tuyên truyền chính trị, sắc sảo trong các thể loại chính luận; từng bước khẳng định uy tín của tờ báo trong việc đóng góp các giải pháp về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước.
Tập thể Báo Hànộimới tập trung xây dựng đoàn kết nội bộ vững chắc và môi trường làm việc văn hóa, văn minh, hiện đại; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và cống hiến của người lao động. Mỗi đồng chí cán bộ chủ chốt, mỗi đảng viên Báo Hànộimới phải thực sự là những tấm gương, là hạt nhân chính trị, lan tỏa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm vì cái chung, vì sự phát triển đi lên của Báo Hànộimới.
Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Hànộimới phải giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trau dồi kiến thức, phong cách, kỹ năng chuyên nghiệp, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị cao; đáp ứng sự kỳ vọng mà các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo thành phố và bạn đọc tin tưởng, trao gửi; thực sự là tờ báo có uy tín, vinh dự hai lần được Bác Hồ đặt tên - Cơ quan của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Nguyễn Minh Đức
Tổng Biên tập Báo Hànộimới
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.