Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người làm báo tham gia mạng xã hội: Giữ nguyên tắc và có trách nhiệm

Hoàng Quyên| 21/06/2023 06:15

(HNM) - Báo chí thế giới và Việt Nam đang đối diện với “cơn bão” công nghệ cùng sự lớn mạnh của truyền thông xã hội. Sự bùng nổ của mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội cho các tòa soạn và người làm báo, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm người làm báo khi tham gia các diễn đàn trên không gian mạng.

Phóng viên tác nghiệp tại lễ khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2023. Ảnh: TTXVN

Thách thức và trách nhiệm

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã tác động lớn đến sự phát triển của mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí. Riêng trong lĩnh vực báo chí, thời đại công nghệ số cùng sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong cuộc cạnh tranh thông tin. Hiện nay, nhiều tòa soạn báo sử dụng mạng xã hội để truyền tải, lan tỏa thông tin, tiếp cận bạn đọc nhanh hơn, tăng sự tương tác với công chúng.

Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VOV Phạm Công Hân cho biết, từ nhiều năm nay, đơn vị đã sử dụng trang Fanpage để đưa các thông tin, bài viết của đơn vị, quảng bá các bài viết của Báo Điện tử cũng như nhiều hoạt động của báo trên mạng xã hội, tạo hiệu quả cao trong tương tác với công chúng. Điều này giúp nhiều bài viết trên VOV Điện tử có lượng chia sẻ (share), yêu thích (like) của bạn đọc. Từ tháng 9-2020, để đẩy mạnh thông tin đến công chúng, đặc biệt sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu và xu hướng tiếp cận thông tin trên các nền tảng mạng xã hội và internet, VOV Điện tử đã xây dựng kênh TikTok riêng, đến nay đã có hàng nghìn lượt theo dõi (follow).

Tại Báo Hànộimới, trong cuộc họp với toàn thể cán bộ, biên tập viên, phóng viên gần đây, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức đề nghị, các cán bộ, biên tập viên, phóng viên cần phát huy ưu điểm của mạng xã hội, chủ động chia sẻ thông tin hữu ích, những vấn đề bạn đọc quan tâm để lan tỏa thông điệp tích cực, tăng hiệu quả tuyên truyền của Báo.

“Trong thời đại công nghệ số, báo chí đa nền tảng phát triển mạnh mẽ thì người làm báo cần cập nhật các xu hướng, nhanh nhạy nắm bắt thông tin trên mạng xã hội cũng như sử dụng mạng xã hội hiệu quả và trách nhiệm”, nhà báo Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Cơ hội thông tin và hiệu quả truyền thông của mạng xã hội mang đến là điều đã được chứng thực. Song, mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều vấn đề rủi ro khi mà thông tin đưa lên có dung lượng lớn, không được kiểm soát. Đây là thách thức lớn đối với người làm báo khi tham gia vào môi trường này. Nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội nhận định, mạng xã hội là kênh thông tin hiệu quả để nhà báo có thể khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi” khi ẩn chứa cả thông tin xấu, độc, chưa được kiểm chứng rõ ràng. Vì thế khi sử dụng thông tin trên mạng xã hội, người làm báo cần phải bảo đảm các nguyên tắc nghề nghiệp là kiểm chứng thông tin, xin phép bản quyền.

Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, khi mạng xã hội ẩn chứa nhiều thông tin gây “nhiễu” thì báo chí phải trở thành chỗ dựa của dư luận. Người làm báo cần phải là những "bộ lọc" tốt để cung cấp thông tin chuẩn xác cho công chúng.

“Các cơ quan báo chí đang có xu hướng tận dụng mạng xã hội để quảng bá, lan tỏa thông tin, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ đối với những sự việc, nhất là với những vấn đề nhiều người quan tâm. Người làm báo cũng cần phải nắm bắt thông tin từ mạng xã hội, biết sử dụng mạng xã hội hiệu quả để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, vì tính “hai mặt” của mạng xã hội, người làm báo cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước thông tin đưa ra”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Đại diện các cơ quan báo chí Thủ đô ký giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Thủ đô và tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.

Đạo đức và bản lĩnh

Mạng xã hội được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để người làm báo tiếp nhận, truyền dẫn thông tin. Nhưng cũng vì tính cá nhân hóa của mạng xã hội nên đã có không ít người lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, vi phạm đạo đức nghề báo. Những vụ việc nhà báo đưa lên mạng xã hội thông tin sai sự thật hay lấy danh nghĩa nhà báo thực hiện chiến dịch “truyền thông bẩn” khi nhằm miệt thị một cá nhân, tổ chức nào đó… là vấn đề nhức nhối của báo chí hiện đại.

Đến nay, nhiều người vẫn không quên vụ việc, phóng viên C.L.A.H thuộc văn phòng đại diện một cơ quan báo chí của thành phố Hồ Chí Minh đóng tại Cần Thơ bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì có hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” lên mạng xã hội, vào năm 2021.

Hay vụ việc vào tháng 8-2022, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính với mức 7,5 triệu đồng đối với một nhà báo đăng tải bài viết trên mạng xã hội với tiêu đề: "Đà Nẵng đề xuất mở "phố đèn đỏ" để kích cầu du lịch", kèm hình ảnh nhạy cảm. Nổi cộm nhất và vụ việc Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định thu hồi thẻ nhà báo với trường hợp ông Đ.H - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh Niên, ông M.P.L - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh…

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hiện nay, tại một số cấp hội còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp phải xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ khỏi Hội Nhà báo Việt Nam vì những nội dung sai trái đăng tải, chia sẻ trên Facebook. Trước những thách thức từ mạng xã hội đối với đạo đức báo chí, ngày 25-12-2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp của Hội Nhà báo Việt Nam xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng. Quy tắc nhấn mạnh, người làm báo không được đưa lên mạng xã hội thông tin đi ngược với đường lối, quan điểm của Đảng; thông tin thất thiệt, sai sự thật, chưa được kiểm chứng…

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động của mạng xã hội, tháng 6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam; đồng thời, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi, ứng xử của người dùng trên mạng xã hội.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, việc ban hành các quy định, quy tắc đạo đức người làm báo trên không gian mạng là rất cần thiết để giúp cho hoạt động báo chí phát triển lành mạnh. Khi thời đại công nghệ số phát triển, người làm báo khi khai thác, sử dụng thông tin trên mạng xã hội càng phải cần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức chính trị và có kỹ năng chuyên môn vững vàng.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, các nhà báo khi tham gia mạng xã hội phải định hướng được thông tin và có nguyên tắc khi khai thác. Ở thời đại nào, người làm báo cũng cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp với cái tâm trong sáng, nhân văn.

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua vào năm 2018, cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các thông tin trên internet và mạng xã hội. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã ban hành những quy định riêng dành cho cán bộ, phóng viên, nhân viên về việc ứng xử trên mạng xã hội.

Tại Hà Nội, hưởng ứng chương trình phát động của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ ký giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, với sự tham gia hưởng ứng của các cơ quan báo chí Thủ đô, trong đó đề cao vấn đề đạo đức, trách nhiệm của nhà báo. Đây là một trong những hoạt động để báo chí Thủ đô phát triển hiệu quả, sáng tạo, chuyên nghiệp, nhân văn, đồng thời bước kịp dòng chảy chung của báo chí Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người làm báo tham gia mạng xã hội: Giữ nguyên tắc và có trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.