(HNM) - Thời gian qua, từ vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình ở ngoại thành Hà Nội đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Nhờ vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình ở ngoại thành Hà Nội đã vươn lên thoát nghèo. |
Ông Nguyễn Kim Phung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, doanh số cho vay của đơn vị 4 tháng đầu năm 2018 đạt 1.193 tỷ đồng với hơn 41 nghìn lượt hộ gia đình được vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là hơn 10 nghìn lượt hộ; vay giải quyết việc làm hơn 16 nghìn lượt hộ; vay vốn theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khoảng 14 nghìn lượt hộ gia đình...
Chia sẻ hiệu quả của Chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, ông Lê Trọng Lý, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) cho biết, dư nợ cho vay nhận ủy thác tại Hội Cựu chiến binh xã là gần 2 tỷ đồng với 90 hội viên được vay vốn. Nhiều hộ gia đình, nhất là hộ nghèo của địa phương nhờ được vay vốn đã mở xưởng sản xuất đồ mộc, chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Còn ông Nguyễn Hữu Vượng, xã Thụy Lâm cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhờ vay vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP Hà Nội nên đã mở được xưởng chế biến xuất khẩu gỗ. Lúc đầu làm nhỏ, có thêm vốn vay, gia đình tôi mở rộng quy mô, đến nay không những làm giàu cho bản thân, gia đình còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho 57 người dân địa phương".
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Kim Phung, nguồn vốn cho vay mặc dù đã được trung ương và thành phố quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP Hà Nội đã yêu cầu các ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, bố trí ngân sách chuyển vốn sang ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế và huy động vốn thông qua các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi cho vay quay vòng và vốn được bổ sung mới trong năm 2018 theo chỉ tiêu kế hoạch được trung ương và thành phố giao, không để tồn đọng vốn. Các đơn vị của ngân hàng cũng tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, phấn đấu thu hồi nợ quá hạn tồn đọng và có giải pháp ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh; nâng cao chất lượng hoạt động ở các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ đúng quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.