Nông nghiệp - Nông thôn

"Nguồn vốn tín dụng chính sách là cứu tinh của tôi"

Bạch Thanh 01/10/2023 - 12:10

“Với thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn tín dụng chính sách là “cứu tinh” của tôi trong những ngày đầu khởi nghiệp. Từ nguồn vốn đó, đến nay, gia đình tôi thu nhập 50-60 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương trung bình 15 triệu đồng/người/tháng”, anh Quyền cho hay.

Trong những năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua nguồn vốn tín dụng, người dân có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

nhcshx1.jpg
Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều mô hình kinh tế ở huyện Phúc Thọ thành công.

Nông dân giàu có, nông thôn phồn thịnh

Đến với huyện Phúc Thọ, thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện hữu rõ nét, làng quê giàu đẹp, văn minh, đời sống người dân được nâng cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm cho lao động địa phương, là "bà đỡ mát tay” cho các mô hình kinh tế nông thôn khởi nghiệp thành công.

Anh Nguyễn Tiến Quyền (thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) nhớ lại, những ngày đầu khởi nghiệp với xưởng mộc, anh luôn trăn trở về nguồn vốn đầu tư mua máy móc, nguyên liệu. Qua tìm hiểu, gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

“Với thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn tín dụng chính sách là “cứu tinh” của tôi trong những ngày đầu khởi nghiệp. Từ nguồn vốn đó, đến nay, gia đình tôi thu nhập 50-60 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương trung bình 15 triệu đồng/người/tháng”, anh Quyền cho hay.

Hay như cơ sở may Châu Jolie tại thôn Phương Nhị (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) chuyên may bộ đồ mặc ở nhà cho phụ nữ, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, 27 tuổi, chủ cơ sở cho biết: Cơ sở may của gia đình chị vừa thành lập đầu năm 2023. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất, đưa ra thị trường khoảng 300-500 bộ quần áo thương hiệu “Châu Jolie", được tiêu thụ trên cả nước.

Ban đầu thành lập, cơ sở chỉ có 10 lao động, đến nay đã giải quyết việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. "Bà đỡ mát tay" cho mô hình thành công này chính là nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội.

nhcsxh2.jpg
Nguồn vốn chính sách là "bà đỡ mát tay" cho nhiều mô hình kinh tế ở nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Duy Hùng cho biết, từ đồng vốn chính sách hơn 10 tỷ đồng, xã đã hình thành nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi gia cầm đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao tại thôn Ngô Đồng, trồng ổi tại thôn Tảo Dương, trang trại tổng hợp tại thôn Phương Nhị. Đến nay, toàn xã chỉ còn 1 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều là 0,82%, góp phần cùng địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho hay: Hiện, tổng nguồn vốn chính sách của đơn vị đạt gần 600 tỷ đồng, trong đó chủ lực là cho vay giải quyết việc làm, cho vay nâng cao chất lượng cuộc sống từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua ngân hàng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Cần tăng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu người dân

Trong 9 tháng năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội tập trung giải ngân nguồn vốn thu nợ quay vòng, nguồn vốn bổ sung của Trung ương và thành phố giao. Tính đến cuối tháng 9-2023, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh đạt 13.630 tỷ đồng với 262 nghìn khách hàng đang vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay tại 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đạt hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng doanh số cho vay của toàn chi nhánh.

"Tuy nhiên, nhu cầu vốn của nhân dân ngày càng tăng, vì vậy, chúng tôi mong Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tạo điều kiện, tăng định mức vốn cho các đối tượng vay", Trưởng thôn An Phú (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) Nguyễn Doãn Hợp kiến nghị.

nhcsxh3.jpg
Nguồn vốn chính sách là "bà đỡ mát tay" cho nhiều mô hình kinh tế ở nông thôn.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, chi nhánh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo các phòng giao dịch ngân hàng chính sách quận, huyện, thị xã phối hợp với các phòng, ngành, cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn nhận ủy thác từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách thành phố, đã kịp thời giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thực tế, nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Do đó, chi nhánh đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác sang chi nhánh theo Kế hoạch số 227/KH-UBND để cho vay, đáp ứng nhu cầu đối tượng thụ hưởng trên địa bàn trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, góp phần thực hiện tốt Chương trình số 04-CTr/TU. Trong đó, năm 2023 đề nghị bổ sung 400 tỷ đồng; các năm: 2024, 2025 bổ sung 1.200 tỷ đồng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Nguồn vốn tín dụng chính sách là cứu tinh của tôi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.