Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2023, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (ngày 28-6-2023) của Ngân hàng Nhà nước thu hút sự quan tâm của dư luận, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2023, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (ngày 28-6-2023) của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thu hút sự quan tâm của dư luận khi nhiều điểm bị coi là bất lợi với doanh nghiệp đã được sửa đổi.
Theo giới chuyên gia, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay, khơi thông dòng vốn tín dụng, hướng dòng vốn đến những dự án an toàn, hiệu quả.
Nhiều điểm mới đáng chú ý
Những điểm mới trong Thông tư số 06/2023/TT-NHNN được đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Điển hình là quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử vừa tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng, vừa phù hợp với định hướng chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Tổ chức tín dụng được thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tín dụng, góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục.
Khách hàng không phải đến các điểm giao dịch mà thao tác trên thiết bị điện tử, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Thông tin khách hàng được xác minh bằng phương tiện điện tử (eKYC); giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn thiết lập dưới dạng dữ liệu điện tử, lưu trữ trên môi trường số...
Để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh, khách hàng được xác thực bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân hoặc xác thực điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật. Nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động eKYC có sự liên thông giữa các ngân hàng, mang tính chính thống và đáng tin cậy, bảo đảm hoạt động eKYC an toàn, lành mạnh, kịp thời phòng ngừa rủi ro gian lận.
Điểm mới đáng chú ý nữa là đối với việc vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng...) thì không cần phải có phương án hay dự án.
Khách hàng chỉ cần thông tin về số tiền cần vay, mục đích sử dụng vốn vay, thời gian sử dụng vốn vay và chứng minh nguồn tiền để trả nợ. Đối với những nhu cầu vay vốn mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà có giá trị lớn, khách hàng cần bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ vay để có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn, cũng như chứng minh việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Ngoài ra, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN bổ sung quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Quy định này tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm nguồn vốn tín dụng ngân hàng, có cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng.
Theo đại diện các ngân hàng thương mại, với quy định này, khách hàng dù đã có khoản vay mua nhà tại ngân hàng A nhưng nếu thấy ngân hàng B có lãi suất thấp hơn, được hưởng thêm một số ưu đãi dịch vụ khác thì có thể đến ngân hàng B đề xuất vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay tại ngân hàng A.
Tạo sự chủ động cho tổ chức tín dụng
Dưới góc độ khách hàng, bà Bùi Thị Bình (chung cư Udic, đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ) cho rằng, điểm đáng chú ý là việc nới điều kiện cho vay.
Quy định trước đây, người vay phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu, như: Sử dụng vốn vay đúng mục đích, có phương án khả thi, có khả năng tài chính trả nợ...; còn theo quy định mới, biện pháp bảo đảm khoản vay do tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chủ động trong quá trình cấp tín dụng và quản lý khoản vay.
Thực tế, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều biện pháp về bảo đảm khoản vay, như: Thế chấp tài sản, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khách hàng về phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.
Đại diện ngân hàng thương mại giải thích, với quy định mới, bảo đảm khoản vay chỉ là một trong các điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện bắt buộc trong hoàn trả cho khoản vay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7-2023, tín dụng chỉ tăng 4,56% so với đầu năm 2023, giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6-2023. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vì vậy có quyền quyết định dự án nào cho vay và không cho vay theo quan điểm riêng.
Những quy định “mở” tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các ngân hàng giải ngân vốn tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Người dân và doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:
Bảo đảm chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ xấu
Hiện nay, thúc đẩy tín dụng là cần thiết nhưng cũng phải bảo đảm chất lượng, không để nợ xấu tăng. Giữa hai “dòng nước” ngược chiều nhau, phải tìm được điểm cân bằng. Sợ nợ xấu mà để tín dụng đứng im thì không được. “Thả phanh” tín dụng nhưng đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng cũng không được.
Chưa kể, một khó khăn kéo dài nữa mà chưa biết bao giờ giải quyết được, đó là ngân hàng đang phải gánh cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vừa qua, chúng ta bắt đầu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán để giải quyết bài toán vốn trung, dài hạn. Nhưng sau đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp co lại và hiện nay lại phải tìm cách khơi thông. Do đó, vấn đề điều hành tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đó là những giải pháp về nguồn cung tiền, tạo thanh khoản cho nền kinh tế và tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng; hạ mặt bằng lãi suất; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh:
Cần quy định chi tiết, rõ ràng hơn
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (ngày 30-12-2016) là một quyết định đúng đắn, kịp thời từ phía nhà điều hành nhằm điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, tránh gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Để có giải pháp phù hợp kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, theo tôi, cần bổ sung thêm quy định theo hướng làm rõ đối tượng được vay, xây dựng và triển khai phương án cho vay với các đối tượng đặc biệt. Ví dụ cho vay để thanh toán tiền góp vốn thực hiện dự án đầu tư mà không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Đồng thời, thủ tục cho vay và cơ chế giám sát bảo đảm hiệu quả sau cho vay cũng cần phải quy định một cách chi tiết, rõ ràng hơn.
Tổng Giám đốc AFA Capital (doanh nghiệp cố vấn đầu tư và quản lý tài sản, tư vấn tài chính) Nguyễn Minh Tuấn:
Kiểm soát rủi ro, tăng trưởng kinh tế bền vững
Việc ban hành thông tư mới sửa đổi các quy định ra đời trước đó để phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần tạo môi trường hoạt động thuận lợi, hiệu quả, gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả, phát triển bền vững. Với Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, tôi nhìn thấy cơ quan quản lý đang cố gắng kiểm soát rủi ro tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và dài hạn. Đồng thời cố gắng khơi thông dòng vốn tín dụng bằng cách trao quyền chủ động cho tổ chức tín dụng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ để tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, giảm thủ tục, tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn...
Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến kịp thời được các chuyên gia đánh giá cao, thể hiện việc điều hành chính sách phù hợp. Nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính tiền tệ nói chung.
Đức Anh ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.