Ngày 19-2, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Ngay sau khi ban hành, Chỉ thị đã nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân với mong muốn đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
* Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Thị An:
Phân cấp thực hiện và trao trách nhiệm cho người đứng đầu
Xây dựng nền tảng văn hóa, đặc biệt là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để xứng đáng với vị trí, tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến đã được lãnh đạo thành phố thể hiện ở nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những biểu hiện lệch chuẩn, trái với truyền thống của dân tộc, nét đẹp văn hóa con người Hà Nội cần được sửa đổi. Đó là vẫn còn bạo lực gia đình, sách nhiễu nơi công sở, thiếu chuẩn mực trong trường học...
Chỉ thị số 30-CT/TU ra đời kịp thời, đúng lúc, dám nhìn thẳng vào thực tế, không né tránh những tồn tại, hạn chế để các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô quyết tâm thực hiện nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 30-CT/TU, lãnh đạo thành phố cần phân cấp rõ ràng, trao trách nhiệm cho người đứng đầu sở, ngành, đơn vị, địa phương về xây dựng văn hóa người Hà Nội. Từng đợt phải kiểm điểm, báo cáo việc đã làm, chỉ ra những hạn chế, những việc còn tồn tại và có kế hoạch khắc phục. Cùng với đó, Thành ủy cần công khai nơi làm tốt, nơi chưa làm được và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024.
* Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền:
Xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng
Xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là thời điểm Hà Nội đang giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy ấy, người Hà Nội cần biết "gạn đục khơi trong", dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nếp ứng xử của người Tràng An. Vì thế, hơn bao giờ hết, cần đặc biệt chú trọng vấn đề văn hóa gia đình. Mọi công dân được giáo dục tốt từ gia đình thì mới có thể ứng xử hay ngoài xã hội. Điều này cũng phải được thực hiện ngay từ môi trường học đường để những ứng xử văn minh, hành động đẹp thấm sâu trong nhận thức của mỗi cá nhân.
Để triển khai Chỉ thị, quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quận. Đặc biệt là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng và chính quyền quận trong xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.
Đồng thời, cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân; tiếp tục nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo… trong mỗi người dân trên địa bàn quận.
* Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Tâm:
Tiền đề triển khai những mô hình mới
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy phường, tôi nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ thị trên, bởi nếu làm tốt sẽ có sức lan tỏa rộng lớn đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên động lực, tạo nên thành công cho việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương và quan trọng nhất là sự phát triển bền vững từ nền tảng văn hóa.
Để làm tốt Chỉ thị này, Đảng ủy phường Phúc Xá sẽ xây dựng kế hoạch chuyên đề để tổ chức thực hiện. Trước tiên sẽ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn phường về nội dung của Chỉ thị. Sau đó, sẽ giao UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, cấp ủy các chi bộ xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa việc thực hiện tại đơn vị mình. Phát động các đợt thi đua đặc biệt để tổ chức thực hiện theo hướng cụ thể, có định lượng rõ ràng với từng phần việc.
Với những nội dung đã triển khai trước đây, Đảng ủy phường sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để làm sâu hơn, kỹ hơn, chất lượng hơn; triển khai thêm những nội dung mới, mô hình mới liên quan đến việc xây dựng người Hà Nội, mà cụ thể là người Phúc Xá không chỉ thanh lịch, văn minh mà cần có nghĩa tình và trách nhiệm - trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình, xã hội và trách nhiệm với Thủ đô yêu dấu. Từ trách nhiệm đó, mỗi người sẽ ứng xử văn minh, thanh lịch, văn hóa, hình thành ý thức chủ động trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
* Đồng chí Phùng Thị Ngọc Loan, giảng viên chính Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong:
Phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương của Thủ đô cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức đến từng địa bàn, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần triển khai Chỉ thị bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Về xây dựng văn hóa công sở, chú trọng nâng cao vai trò của người lãnh đạo, quản lý trong việc chỉ đạo và triển khai chỉ thị một cách cụ thể, thiết thực. Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý theo hướng xây dựng hình ảnh người lãnh đạo, quản lý có “tâm”, có “tầm”, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thúc đẩy việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử trong nội bộ các cơ quan, công sở và trong mối quan hệ, ứng xử với nhân dân. Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi thiếu chuẩn mực, trái với các quy định của cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin trong nhân dân. Khích lệ, động viên người dân Thủ đô xây dựng một xã hội hiện đại- văn minh - thanh lịch bằng các hoạt động cụ thể.
* Đảng viên Vương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình):
Nêu gương văn minh, thanh lịch ngay từ gia đình
Việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU đã cụ thể hóa mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các lần làm việc, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân Hà Nội, phải luôn phát huy truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến, anh hùng để xây dựng môi trường hòa bình, ổn định qua đó xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm.
Để thực hiện tốt Chỉ thị này, với vai trò là đảng viên, cán bộ hưu trí như tôi nói riêng và cán bộ, đảng viên tại cơ quan, công sở nói chung cần tích cực nêu gương thực hiện nếp sống, sinh hoạt, công tác văn minh tại cộng đồng dân cư, nơi công tác. Tại mỗi gia đình, cán bộ, đảng viên cần nêu gương với vai trò của ông, bà, bố, mẹ trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử để con cháu noi theo. Đồng thời, tích cực phê phán những cái xấu, hành vi phản văn hóa trong cuộc sống; qua đó tạo tác động tích cực, lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong xã hội.
Bên cạnh đó, cần nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo… trong mỗi người dân Hà Nội, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.