Chính trị

Hơn 10.000 cán bộ họp triển khai Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phòng cháy, chữa cháy

Hương Ly, Hà Vũ, ảnh: Viết Thành 21/09/2023 15:05

Chiều 21-9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì giao ban trực tuyến quý III-2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tham dự có 10.828 đại biểu tại 558 điểm cầu.

img_2535.jpeg
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn.

Tham dự có đại diện một số cơ quan Trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; các Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư, chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị ủy; bí thư các đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội...

Hội nghị họp bàn 3 nội dung gồm: Quán triệt Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới; Báo cáo tình hình và các yêu cầu, giải pháp tăng cường đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.

img_2533.jpeg
Quang cảnh hội nghị.

Lấy chủ động phòng ngừa là chính

Mở đầu, hội nghị đã nghe Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong truyền đạt nội dung Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Theo đó, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), đồng thời để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ xảy ra; bảo đảm an toàn tính mạng về người và tài sản của nhân dân, của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 7 nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả.

img_2532.jpeg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong truyền đạt nội dung Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu quán triệt lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; đồng thời yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

“Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ””, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo.

Tại Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố; đồng thời chỉ đạo rõ, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, “buông lỏng” trong quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC và CNCH và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

“Cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì Thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật”, Chỉ thị nêu.

Chỉ thị số 25-CT/TU thay thế Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 31-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy và được phổ biến đến chi bộ.

Tính phương án cho khu vực ngõ sâu, xe chữa cháy khó tiếp cận

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị đã nêu nhiều ý kiến nhằm nâng cao năng lực PCCC và CNCH, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân.

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, với đặc thù địa bàn quận có nhiều ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa khó tiếp cận, việc tính toán phương án, như: Đầu tư xây dựng hệ thống ống chờ nước cứu hỏa tại các ngõ, ngách sâu, sẵn sàng kết nối nguồn nước chữa cháy từ các điểm xe chữa cháy có thể tiếp cận được và từ các trụ nước cứu hỏa sẵn có là một trong những giải pháp mà quận kiến nghị thành phố thực hiện.

Quận Đống Đa cũng khẳng định sẽ tuân thủ phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, quyết liệt triển khai công tác tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở kinh doanh cho thuê trọ, chung cư mini, song song với việc tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thoát hiểm; hướng dẫn các hộ dân sinh sống tại các chung cư mini tự trang bị các thiết bị cứu nạn tại gia đình như mặt nạ phòng độc, thang dây, tạo lối thoát hiểm.

img_2554.jpeg
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong tham luận.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, qua rà soát 1.900 chung cư mini và cơ sở thuê trọ trên địa bàn ngay sau vụ cháy tại phường Khương Đình, quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra với 14 tổ thực hiện rà soát khoảng 1.900 chung cư mini và nhà trọ cao tầng cho thuê trên địa bàn. Quận cũng sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức cơ quan đơn vị để xem xét trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ. “Nơi nào lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, nếu xảy cháy sẽ xử lý khác với nơi lãnh đạo buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm”, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nhấn mạnh.

Đáng chú ý, quận đã yêu cầu chủ đầu tư các chung cư mini, nhà cao tầng cho thuê cùng với việc rà soát trang thiết bị PCCC, cứu nạn cứu hộ, cần có phương án di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện khỏi các chung cư mini và nhà trọ cho thuê nhằm bảo đảm an toàn PCCC.

img_2555.jpeg
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố phát biểu.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết, bên cạnh các chung cư, nhà trọ cho thuê, nguy cơ xảy cháy tại các chợ cũng rất cao, trong đó đáng chú ý trên địa bàn quận có khu chợ Nhà Xanh, chuyên kinh doanh quần áo, vải, đồ nhựa gia dụng. Đại diện phường Dịch Vọng Hậu kiến nghị thành phố có phương án di dời chợ Nhà Xanh, mở rộng đường Phan Văn Trường để bảo đảm an toàn PCCC và vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng kiến nghị việc xây ngăn khu để xe với khu nhà ở; thường xuyên kiểm tra xe máy, xe điện nhất là hệ thống sạc điện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất; đồng thời trang bị đầy đủ phương án, phương tiện cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu PCCC và xử lý sự cố.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ” (bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại khi lực lượng cảnh sát PCCC ở xa chưa kịp tới hoặc khó tiếp cận đám cháy, qua đó giảm thiểu những thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra.

Cứ 1% không giải ngân được, thành phố “mất” 500 tỷ đồng

Trình bày Báo cáo tình hình và các yêu cầu, giải pháp tăng cường, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, đến ngày 15-9, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của toàn thành phố là 22.876 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch thành phố giao và đạt 48,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

img_2556.jpeg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trình bày báo cáo.

Tuy nhiên, nêu 4 khó khăn chính đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện nay, ông Lê Anh Quân cho biết, hiện có 293 dự án có khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; 332 dự án ngân sách cấp huyện có khó khăn về nguồn vốn đầu tư do khó khăn về đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất... Ngoài ra, còn một số dự án có khó khăn, vướng mắc khác như công tác tái định cư, thanh lý tài sản, điều chỉnh dự án...

Điều hành thảo luận về nội dung này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là nội dung Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay. Với kết quả hiện nay, để đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân rất nhiều và nặng, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương...

img_2559.jpeg
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu phát biểu.

Tham luận về nội dung này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố, huyện Đan Phượng, quận Nam Từ Liêm... đã nêu rõ kết quả giải ngân của đơn vị, địa phương, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giải ngân năm 2023.

Đáng chú ý, các ý kiến cho rằng, để có được kết quả giải ngân cao, các quận, huyện phải có kế hoạch ngay từ đầu năm, phân công, giao chỉ tiêu theo từng tháng kết hợp với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; tranh thủ sự chỉ đạo của thành phố, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành...

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, cứ 1% không giải ngân được, thành phố phải chuyển nguồn sang năm tiếp theo khoảng 500 tỷ đồng; 10% không giải ngân được, “mất” 5.000 tỷ đồng. Nên các cấp, các ngành cần cố gắng hơn nữa để giải ngân đạt mức cao nhất. Ông Nguyễn Xuân Lưu cũng lưu ý các địa phương giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán để quyết toán xong các dự án có cơ sở tiếp tục bố trí vốn đầu tư công cho năm tiếp theo.

img_2557.jpeg
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu điều hành thảo luận.

Tổng hợp về nội dung này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tháo gỡ từng dạng khó khăn, vướng mắc và đối với từng dự án cụ thể. Trong đó, số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng khá lớn, cần có chuyên đề để phân tích cụ thể tập trung tháo gỡ.

9 tháng, Bí thư Thành ủy 5 lần tiếp dân, 4 lần đối thoại

Thảo luận về nội dung thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, đại diện Đảng ủy xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai đã tham luận nêu tình hình, kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Các ý kiến đều khẳng định, việc thực hiện tốt Quy định có tác dụng giúp ổn định tình hình chính trị-xã hội trên địa bàn, duy trì mối quan hệ máu thịt giữa cấp ủy Đảng với nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội...

f7ebbc94c52710794936.jpg
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức phát biểu.

Trao đổi về nội dung này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, 9 tháng qua, trực tiếp đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng đã gương mẫu thực hiện nghiêm Quy định 11-QĐi/TƯ, thực hiện 5 cuộc tiếp công dân, 4 cuộc đối thoại với trên 33.000 người tham gia đối thoại.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy đề nghị Bí thư cấp ủy các cấp thành phố trước hết phải thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, đối thoại định kỳ theo đúng quy định; đặc biệt, sau tiếp công dân và đối thoại phải có kết luận cụ thể, rõ ràng gắn với tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, bảo đảm thực chất, hiệu quả, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức cũng lưu ý Bí thư cấp ủy cần nhận thức sâu sắc nội dung căn bản của Quy định 11-QĐi/TƯ đồng thời tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức trong tập thể cấp ủy và tổ chức đảng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, nhầm lẫn với các nội dung tiếp dân, giải quyết đơn thư của khối chính quyền.

Xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy, chữa cháy để phòng ngừa sai phạm

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm của các đại biểu trong việc kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, sát thực về các vấn đề được thảo luận tại hội nghị.

Liên quan đến việc triển khai Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thành phố nghiêm túc triển khai theo các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn liên quan cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

t2-qc-.jpg
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, cụ thể nằm nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém, song, nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về PCCC lại chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Đáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về PCCC&CNCH có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15-9-2023 của UBND thành phố về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần coi công tác PCCC&CNCH là vấn đề quan trọng; nghiêm túc nhìn nhận ngay từ khâu tổ chức thực hiện, tránh hình thức “đầu voi, đuôi chuột”. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai thật nghiêm khắc để phòng ngừa.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tích cực chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, các cấp đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH, ý thức tự trang bị hệ thống PCCC&CNCH..., biên tập thành chương trình cụ thể để hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

t2-ket-luan-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị

“Để khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém trong công tác PCCC trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo thẩm quyền.

Liên quan đến việc đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc của UBND thành phố trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên vẫn cần quyết liệt hơn nữa để kết quả giải ngân cả năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch.

Để tiếp tục thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành của thành phố thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cùng với việc tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý, cần khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công bảo đảm đạt mức bình quân chung của cả nước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các đơn vị liên quan tổng hợp danh sách các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt thấp; xem xét việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.

Liên quan đến công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 160-KH/TU, ngày 26-5-2023 nhằm triển khai các quy định của Trung ương.

Với vai trò là người đứng đầu, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã thường xuyên lồng ghép việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp đối thoại với các tổ chức chính trị xã hội: Hội Cựu chiến binh thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Đoàn Thanh niên thành phố..., tạo sự lan tỏa, sự tin tưởng của hệ thống chính trị và người dân vào sự lãnh đạo của Thành ủy.

Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy đã ủy quyền cho Ban Nội chính Thành ủy tham mưu xử lý đơn thư, vụ việc; trong 9 tháng năm 2023, đã tiếp 24 buổi/62 lượt công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố; tiếp nhận đơn thư từ các nguồn gửi tới các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy đã tiếp nhận 4.251 đơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại với người dân để tiếp nhận thông tin, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2023, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 10.000 cán bộ họp triển khai Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.