Đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng Thủ đô “Văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Vai trò của phụ nữ trong thời đại mới
- Phụ nữ hiện chiếm trên 50,4% dân số Hà Nội, đóng góp gần một nửa lực lượng lao động, có mặt trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Bà có thể đánh giá một cách khái quát về vai trò cũng như các hoạt động của chị em trong việc tham gia xây dựng Thủ đô?
- Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và nét đẹp thanh lịch, đảm đang, phụ nữ Thủ đô ngày càng khẳng định vị thế vững chắc và có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Thời gian qua, ở bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào, chị em luôn phát huy truyền thống “Ba đảm đang”, nét tài hoa, thanh lịch của phụ nữ Hà Nội, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ.
Bên cạnh đó, phụ nữ Thủ đô cũng hăng hái tham gia các phong trào thi đua, xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch, "Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”", “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào khởi nghiệp, sáng kiến sáng tạo, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng. Đặc biệt là cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” hướng vào việc tuyên truyền, vận động chị em nâng cao nhận thức và thực hành văn hóa ứng xử trong ăn mặc, nói năng, giao tiếp; văn hóa ứng xử trong gia đình, cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và trên không gian mạng.
Sau hơn 3 năm triển khai, qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, gắn với việc tuyên truyền hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố và cuộc vận động "Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”", toàn thành phố đã có gần 800 mô hình vận động phụ nữ ứng xử đẹp được thành lập. Trong đó, phải kể đến những mô hình mới, như “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả”, “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”, “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”...
Ngoài ra, nhiều mô hình phụ nữ ứng xử đẹp với môi trường, với gần 1.500 đoạn đường phụ nữ tự quản nở hoa hoặc bích họa, bảo đảm xanh - sạch - đẹp, được duy trì và nhân rộng…
- Bên cạnh việc tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã có những hoạt động gì để hỗ trợ nâng cao vị thế của phụ nữ, thưa bà?
- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, tạo động lực khích lệ chị em phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần ham học hỏi, nỗ lực vươn lên tự hoàn thiện bản thân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hội cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; vận động phụ nữ tiếp cận kinh tế số, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn, truyền thông trực tiếp kết hợp trực tuyến về ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hơn 10.000 nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh được trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử. Có 11.500 phụ nữ khởi nghiệp đã được kết nối, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và thương mại điện tử; 3.250 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hơn 200 dự án sản phẩm sáng tạo được hỗ trợ phát triển; gần 5.000 nữ chủ doanh nghiệp được hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
Đồng thời, các cơ sở Hội cũng triển khai hỗ trợ nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, phụ nữ dân tộc thiểu số, xa trung tâm thành phố, phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động nữ di cư... Các cấp Hội đã giúp đỡ hơn 8.500 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn thoát nghèo, ra khỏi diện cận nghèo, nâng cao mức sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 5.138 lao động, giới thiệu việc làm cho 35.496 lao động nữ…
Ngoài ra, các cấp Hội đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, làm cha mẹ, vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình, phòng ngừa bạo lực gia đình, giúp đỡ trên 6.500 hộ gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, 480 hộ gia đình hội viên được giúp đỡ đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 có, 3 sạch”. Hằng năm, Thành hội duy trì xét chọn, tôn vinh 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu trên các lĩnh vực. Hơn 15.000 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu được Hội biểu dương và khen thưởng trong các phong trào thi đua yêu nước.
Góp sức xây dựng thành phố hòa bình
- Ngày 10-8-2023, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 4028/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án "Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026". Bà có thể cho biết việc cụ thể hóa Đề án được các cấp Hội triển khai như thế nào?
- Mục tiêu chung của Đề án là tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phát huy tiềm năng sáng tạo, khát vọng cống hiến của các tầng lớp phụ nữ Hà Nội trong tham gia xây dựng và phát triển Thủ đô “văn hiến, văn minh, hiện đại”, "thành phố hòa bình, sáng tạo”. Sau một năm triển khai thực hiện, mỗi cơ sở Hội Phụ nữ đã có ít nhất một mô hình tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo. Đặc biệt, các cấp hội đã thông qua 770 công trình, phần việc cụ thể, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh là thành phố vì hòa bình, các ngày lễ lớn của Hà Nội và đất nước năm 2024.
Để thực hiện hiệu quả đề án, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cũng đã tổ chức nhiều sự kiện có quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng như: Lễ hội áo dài, đồng diễn áo dài phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển, Festival phụ nữ Thủ đô vì hòa bình - phát triển, Ngày hội phụ nữ Thủ đô sáng tạo - khởi nghiệp, Ngày hội gia đình chắp cánh ước mơ cho con, Hội khỏe phụ nữ Thủ đô, các chương trình đồng diễn dân vũ phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên; trưng bày hơn 5.000 bức ảnh "Check-in Hà Nội với áo dài" tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô…, góp phần lan tỏa, quảng bá nét đẹp thanh lịch - văn minh của phụ nữ Thủ đô.
- Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, các cấp hội phụ nữ Thủ đô có những hoạt động nổi bật gì, thưa bà?
- Chỉ riêng trong tháng 10 này, nhiều hoạt động của Hội được tổ chức. Ngay từ đầu tháng 10, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố sôi nổi hưởng ứng “Tháng Áo dài” từ ngày 1 đến 20-10. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức thành công sự kiện Carnaval áo dài "Phụ nữ Thủ đô hội nhập - phát triển” tại Hoàng thành Thăng Long, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức. Hội cũng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức tọa đàm “Áo dài truyền thống - Giá trị văn hóa, bảo tồn và phát triển trong bối cảnh đương đại”; trao tặng áo dài cho 50 nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Chúng tôi cũng đã tổ chức vinh danh Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2024; tổng kết đợt thi đua đặc biệt, biểu dương 70 tập thể cá nhân có nhiều thành tích chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 94 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Các cấp hội tổ chức tốt hoạt động giáo dục truyền thống, thăm hỏi tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phụ nữ tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô, hoạt động an sinh xã hội... Kết thúc đợt thi đua đặc biệt, tổ chức Hội phụ nữ toàn thành phố đã hỗ trợ xây, sửa, bàn giao 118 mái ấm tình thương…
Đặc biệt, 8h hôm nay (20-10), chương trình đồng diễn dân vũ với áo dài tại 579 xã, phường, thị trấn toàn thành phố sẽ xác lập kỷ lục có số người tham gia biểu diễn đông nhất Việt Nam, dự kiến là 70.000 người. Cùng với đó, những ngày này, tại 100% tổ chức hội cơ sở diễn ra nhiều hoạt động phong phú, như: Gặp mặt cán bộ hội, biểu dương điển hình, giao lưu tìm hiểu kiến thức, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thi nấu ăn, trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống… thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia.
Với niềm tự hào và tình yêu Hà Nội, cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ đô quyết tâm thực hiện thật tốt trách nhiệm của mình, tích cực góp phần phát triển Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng đáng là thành phố vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.