Văn nghệ

Vẻ đẹp đất và người Hà Nội nổi bật tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

An Nhi 29/10/2024 - 17:28

Chương trình phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) là điểm nhấn nổi bật tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) diễn ra từ ngày 7 đến 11-11. Chương trình giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Hà Nội qua 9 bộ phim điện ảnh đặc sắc về Thủ đô.

Khán giả đến với liên hoan phim sẽ được thưởng thức 4 phim truyện, 1 phim tài liệu và 4 phim hoạt hình trong chương trình này. 4 phim truyện đều là những phim ghi dấu ấn của điện ảnh cách mạng Việt Nam và đã đạt nhiều giải thưởng trong nước.

Trong đó, “Em bé Hà Nội” do Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh đạo diễn, kể về một cô bé người Hà Nội đi tìm cha mình là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau khi gia đình bị bom đạn tàn phá.

Bộ phim mang những giá trị lịch sử, đặc biệt với Hà Nội khi phim được thực hiện ngay trên dãy phố Khâm Thiên, nơi hầu như đã bị đổ nát hoàn toàn sau 12 ngày đêm chịu những trận bom B52 ác liệt của không quân Mỹ vào tháng 12-1972.

Tác phẩm đã nhận giải Bông sen vàng dành cho Phim truyện xuất sắc và giải Quay phim xuất sắc, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 3. Đây cũng là một trong 5 bộ phim của Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

543-202410291656212.jpg
Cảnh trong phim "Em bé Hà Nội" của Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh. Ảnh: Tư liệu

Bộ phim “Truyện cổ tích cho tuổi 17” do Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Sơn đạo diễn, cũng về đề tài chiến tranh cách mạng. Khi tiễn các chàng trai lên đường ra trận, cô gái Hà Nội tên An nhặt được một cánh thư rơi của chiến sĩ Thái. Cô đã tìm đến địa chỉ nhà anh và gửi lá thư cho mẹ anh. Được sự động viên từ mẹ Thái, An viết thư cho Thái và từ đây nảy sinh mối tình đẹp giữa cô gái Hà Nội và người chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận.

543-202410291656224.jpg
Cảnh trong phim "Truyện cổ tích tuổi 17". Ảnh: Tư liệu

Bộ phim đem lại Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần 8 năm 1988, ngoài Giải thưởng Bông sen vàng dành cho Phim truyện xuất sắc, “Truyện cổ tích cho tuổi 17” còn đạt giải Đạo diễn xuất sắc, Biên kịch xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc.

Một trong những bộ phim nổi tiếng của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh là “Hà Nội mùa đông năm 46” cũng sẽ được chiếu dịp này. Phim nói về những ngày cuối cùng tại Hà Nội trước khi nổ ra Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946); về những khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô trước khi phải bước vào một cuộc chiến mà người dân và chính quyền không hề mong muốn.

543-202410291656226.jpg
Đoàn làm phim thực hiện phim "Hà Nội mùa đông năm 46". Ảnh: Tư liệu

Đây là một trong 4 bộ phim của Đặng Nhật Minh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Phim đạt Bông sen bạc cho Phim truyện xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 12 (năm 1999) và các giải Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc.

Chiếu dịp này còn có phim truyện “Long thành cầm giả ca” của Nghệ sĩ nhân dân Đào Bá Sơn, được sản xuất nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phim lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, xoay quanh chuyện tình diễm lệ của Tố Như (đại thi hào Nguyễn Du) và Cầm, nàng ca kỹ xinh đẹp nổi danh thành Thăng Long. Chuyện tình của hai nhân vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đầy biến động của kinh thành Thăng Long, sự thay đổi các triều đại phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

543-202410291656227.jpg
Đoàn làm phim thực hiện một cảnh quay trong "Long thành cầm giả ca". Ảnh tư liệu

Đây là một trong 3 bộ phim của Nghệ sĩ nhân dân Đào Bá Sơn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011), phim được tặng Bằng khen của Ban giám khảo, cùng giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc, Nam diễn viên xuất sắc. Phim cũng đạt Cánh diều vàng, Biên kịch xuất sắc; Thiết kế mỹ thuật xuất sắc tại giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2010...

Phim tài liệu chiếu đợt này là tác phẩm nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai”. 4 phim hoạt hình là “Nữ tướng Mê Linh”, “Sự tích đền Bạch Mã”, “Sự tích đền Voi Phục”, “Truyền thuyết gươm thần”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẻ đẹp đất và người Hà Nội nổi bật tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.