Xã hội

Để Thủ đô là một vườn hoa đẹp: Người tốt, việc tốt góp phần xây nền, giữ nếp văn minh

Hoàng Lan 08/10/2024 - 06:47

Sau 32 năm phát động và triển khai, phong trào “Người tốt, việc tốt” của Thành phố Hà Nội ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng và trở thành việc làm thường xuyên trong đời sống xã hội.

Những tấm gương, việc làm tử tế ấy đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của Thủ đô, tô thắm bản sắc văn hóa cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.

nguoihn.jpg
Phong trào "Người tốt, việc tốt" ở Thủ đô ngày càng lan tỏa, đi sâu vào mọi mặt đời sống xã hội với sự đóng góp tích cực của các cấp hội, đoàn thể. Trong ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Xuân La (quận Tây Hồ) ra mắt công trình tranh bích họa - công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời hướng tới xây dựng phường Xuân La đạt chuẩn đô thị văn minh. Ảnh: Dương Linh

Ăn sâu, bén rễ vào nếp sống

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 32 năm qua, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Thành phố đã được phát động, triển khai đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp và nội dung phù hợp. Đến nay, phong trào ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi sâu vào mọi mặt đời sống xã hội với sự đóng góp tích cực của các cấp hội, đoàn thể. Đơn cử như Hội Cựu chiến binh thành phố cụ thể hóa phong trào bằng cuộc vận động “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Nông dân gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ gắn với phong trào xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...; Liên đoàn Lao động thành phố gắn với phong trào “Sáng kiến - Sáng tạo”; Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tôi yêu Hà Nội”...

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”..., qua đó đã huy động được sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng trong thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện mức sống, nâng cao thu nhập cho người dân...

Qua phong trào, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt tiêu biểu đã xuất hiện, như câu chuyện về anh Nguyễn Quốc Dũng (thôn Tiến Ân, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ). Hằng ngày chứng kiến con đường nhỏ hẹp trước cổng nhà mình thường lầy lội mỗi khi trời mưa, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, khi xã có chủ trương phát động các hộ dân sống dọc hai bên đường thôn hiến đất mở rộng đường, anh Dũng đã vận động các thành viên trong gia đình đồng ý hiến 30m2 đất thổ cư để mở rộng con đường trước cửa, góp phần xây dựng nông thôn mới cho quê hương. Từ sự nêu gương của anh, nhiều người dân cũng đã làm theo. Ngày con đường mới hoàn thành, người dân nơi đây vui như mở hội, do việc đi lại thuận lợi nên kinh tế xã cũng phát triển theo, bộ mặt làng quê nơi anh sinh sống như đổi mới từng ngày.

Hay như câu chuyện về ông Nguyễn Văn Túc (Tổ dân phố số 3, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh), người đã tiên phong tham gia ủng hộ kinh phí mua cây giống, đất màu và thuê máy xúc san, gạt, lu nền... để xây dựng "Tuyến đường hoa kiểu mẫu". Từ sự tiên phong của ông Túc, tuyến đường 35 thuộc Tổ dân phố số 3 thị trấn Chi Đông trước kia cỏ dại mọc um tùm rất mất mỹ quan nay đã phong quang sạch sẽ, nhiều người dân địa phương noi theo tấm gương của ông cũng tích cực tham gia góp công, góp của để nối dài thêm con đường hoa dài hơn 500 mét.

Không chỉ góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt còn phát huy tinh thần tương thân tương ái của người Hà Nội để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như anh Nguyễn Việt Long (ngụ tại số 15 phố Nguyễn Thái Học, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm), nguyên Phó Bí thư Đoàn phường Cửa Đông. Nhiều năm nay, anh Long cùng với các tình nguyện viên mang bánh, sữa, suất ăn cho người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức vào ngày mùng 3 hằng tháng, phát suất ăn miễn phí đến những bệnh nhân đang điều trị xa nhà tại các bệnh viện.

Hay anh Phùng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) đã xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh nghèo trên địa bàn xã, tổ chức lực lượng ra quân hưởng ứng mô hình Ngày chủ nhật xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện do Trung ương đoàn phát động để bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép, trồng và chăm sóc cây xanh, triển khai các công trình thanh niên như “Con đường bích họa”, “Hàng cây thanh niên”...

nguoihn1.jpg
Thanh niên Thủ đô thu dọn cây gãy đổ sau bão số 3 - Yagi. Ảnh: Internet

Căn cốt để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc biểu dương “Người tốt, việc tốt”. Người căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt trong quần chúng nhân dân để giáo dục lẫn nhau là một phương pháp, lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”; “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1992 Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Trải qua 32 năm triển khai, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã trở thành nét đẹp tiêu biểu, mang bản sắc riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thông qua phong trào “Người tốt, việc tốt” đã xuất hiện hàng ngàn cá nhân tiêu biểu với những hành động dũng cảm, việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đó thực sự là một một vườn hoa tươi thắm trong bạt ngàn “cánh đồng hoa người tốt, việc tốt” hiến dâng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Đặc biệt, sức sống trong phong trào “Người tốt, việc tốt” còn góp phần bồi đắp, xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, một trong những mặt công tác được thành phố Hà Nội xác định là trọng tâm, xuyên suốt, góp phần thúc đẩy thành phố ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa và xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ mới.

Để tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, phẩm chất thanh lịch của người Hà Nội, việc tiếp tục nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt", những giá trị văn hóa tốt đẹp như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo... phải trở thành nhiệm vụ căn cốt. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội phải luôn ý thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô". Vì thế, cần nhiều hơn nữa người tốt, việc tốt xuất hiện hằng ngày. Đặc biệt, bên cạnh việc giáo dục, thuyết phục, cần có chế tài buộc mọi người phải tuân thủ, từ đó tạo thành thói quen, dẫn dắt hình thành nếp sống mới...

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội thì nhận định: “Phong trào nào cũng thế, làm lâu, làm nhiều sẽ dẫn đến nhàm chán, nên điều chúng ta cần ở thời điểm này chính là việc đổi mới, để phong trào dần đi vào chiều sâu. Đặc biệt, khi Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng với quốc tế, những việc tốt phải là những việc làm mang tính sáng tạo, sáng tạo trong công việc, sáng tạo trong suy nghĩ, tư duy để năng suất lao động ngày càng cao, để thành phố càng ngày càng xanh - sạch - đẹp xứng tầm với Thủ đô thời đại mới. Quan trọng hơn, chúng ta phải làm thế nào để danh hiệu “Người tốt, việc tốt” có sức ảnh hưởng lớn hơn. Vì thế, ngay từ công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo cho đến vận động phong trào, chúng ta cần phải tìm những nội dung mới, những tiêu chí và cách làm chuẩn chỉ để phong trào ngày càng phát huy được sức ảnh hưởng”.

Dưới vóc dáng của một đô thị đang trên đà phát triển, hội nhập mạnh mẽ, ít nhiều bởi tác động tiêu cực bởi văn hóa ngoại lai đang tràn vào cùng làn sóng di cư về Thủ đô tìm cơ hội lập nghiệp, Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác xây dựng và giữ gìn nếp sống thanh lịch, văn minh. Song, thời gian đã chứng minh, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã góp phần không nhỏ vào việc xây nền giữ nếp văn minh cho người Hà Nội, góp sức cho vườn hoa việc tốt của Thủ đô thêm ngát hương, tỏa sáng. Bởi một đô thị, dù có hoa lệ đến mấy, chỉ thực sự đáng sống khi con người biết và muốn sống tử tế, văn minh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Thủ đô là một vườn hoa đẹp: Người tốt, việc tốt góp phần xây nền, giữ nếp văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.