(HNM) - Trong 29 năm là công nhân vệ sinh môi trường, có đến 11 năm bà giữ cương vị tổ trưởng. Tổ của bà đảm trách bảo đảm vệ sinh tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc - nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện vào cuối tuần, cũng như dịp lễ, Tết. Bằng sự tận tâm, trách nhiệm, bà và anh chị em trong tổ luôn nỗ lực giữ sáng, sạch, đẹp các tuyến phố trên địa bàn phụ trách. Bà là Nguyễn Thị Thanh Hiếu - Tổ trưởng Sản xuất Tổ môi trường số 1, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm.
Cơ duyên đến với nghề
Tâm sự về cơ duyên đến với nghề công nhân vệ sinh môi trường, bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu (sinh năm 1968, sống tại An Dương, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình đông con (9 anh chị em). Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học hết lớp 9, tôi nghỉ học, bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thu nhập bấp bênh, nên năm 23 tuổi (năm 1991), theo giới thiệu của cô ruột đang làm công nhân vệ sinh môi trường, tôi nộp hồ sơ xin vào làm tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) và bắt đầu gắn bó với nghề từ đó đến nay”.
Vốn tính cẩn thận, trách nhiệm, bà Hiếu luôn cần mẫn, nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao, thu dọn sạch sẽ rác thải, giữ sạch đẹp đường phố. Bà tâm sự, công việc thu gom rác như ngấm vào máu thịt của mình vậy. Đi đến đâu, như một thói quen nghề nghiệp, bà đều quan sát môi trường xung quanh, xem chỗ nào sạch, chỗ nào bẩn để từ đó rút kinh nghiệm cho công việc của mình. Nhiều lúc bà tự nghĩ, có lẽ người không chọn việc mà việc lại chọn người. Bố mẹ bà có 9 người con, thì 5 người vào làm công nhân vệ sinh môi trường tại Urenco. Ngoài ra, 3 cháu ruột của bà cũng đang công tác tại đây. Nhờ sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, nên chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn bà phụ trách luôn được bảo đảm, được địa phương cũng như lãnh đạo công ty đánh giá cao. Năm 2008, bà được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Sản xuất Tổ môi trường số 1, Urenco - Chi nhánh Hoàn Kiếm.
Chia sẻ về công việc, bà cho biết, công việc của công nhân vệ sinh môi trường mang tính đặc thù, thường làm về đêm, từ 18h cho đến khi hết rác (khoảng 2-3h, thậm chí có khi đến 4-5h hôm sau). Trong các đợt phục vụ lễ, Tết, hay vào các buổi cuối tuần trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, khi mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, thì bà và những công nhân môi trường phải tăng ca, tăng giờ, bám địa bàn để phục vụ. Bà kể: "Gần 30 năm gắn bó với công việc, tôi trụ được với nghề là nhờ gia đình động viên rất nhiều. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mắc bệnh nan y, phải điều trị khá tốn kém và mới đây đã không qua khỏi. Thời gian chồng tôi phát bệnh cũng là khoảng thời gian khó khăn đối với tôi. Tôi vừa đôn đáo chạy lo chữa trị cho chồng, vừa bố trí giải quyết công việc và các sự cố phát sinh trên địa bàn phụ trách, bảo đảm duy trì chất lượng vệ sinh môi trường".
Nỗ lực giữ sáng, sạch đường phố
Là tổ trưởng sản xuất khối vệ sinh môi trường, công việc hằng ngày của tổ là thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; duy trì vệ sinh môi trường tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc. Đây là địa bàn trọng điểm có tuyến chợ đêm, phố đi bộ phục vụ người dân những ngày cuối tuần, lại nhiều chợ dân sinh, đông dân cư buôn bán. Để bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường, đòi hỏi người tổ trưởng phải nhanh nhạy, biết sắp xếp phân công công việc hợp lý, tìm tòi những cách làm mới hiệu quả. Với nhiều năm kinh nghiệm, bà sắp đặt, chia ca, chia nhóm gắn trách nhiệm của các nhóm với từng địa bàn. Bên cạnh đó, bà còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong địa bàn phường được giao quản lý, tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng. Tổ của bà cũng là một trong những tổ đi đầu khi áp dụng cơ giới hóa sản xuất, thử nghiệm các thiết bị mới nhằm tăng năng suất lao động. Nhờ đó, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn bà phụ trách luôn bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Urenco - Chi nhánh Hoàn Kiếm) cho biết, Tổ môi trường số 1 có 15 công nhân, có nhiều người còn rất trẻ. Bà Hiếu thường xuyên gần gũi, tận tình hướng dẫn những công nhân trẻ mới vào làm việc, từ việc bó chổi, đến cách cầm xẻng, chổi, đẩy thùng rác đúng quy trình thao tác để công việc đạt hiệu quả cao, lại không mau mất sức. Được bà Hiếu chỉ bảo, sau một thời gian, những công nhân mới đã thành thạo, chất lượng công việc luôn đạt yêu cầu. Công việc luôn đòi hỏi phải bám đường, đối mặt với không ít bất trắc, do đó bà cũng thường xuyên nhắc nhở anh chị em trong tổ bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, không để xảy ra vụ tai nạn lao động nào.
Theo Giám đốc Urenco - Chi nhánh Hoàn Kiếm Đặng Hữu Bình, bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác sản xuất phục vụ các dịp lễ hội diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, từ ngày 19-4-2019, thành phố Hà Nội thí điểm duy trì không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm sạch như đợt Hà Nội phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, thì địa bàn do bà Hiếu phụ trách lại càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và thái độ phục vụ. Tuy nhiên, bà Hiếu luôn biết sắp xếp, điều hành, phân công công việc cho công nhân trong tổ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bà Hiếu đã cùng các tổ viên tích cực tham gia thí điểm duy trì vệ sinh môi trường không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và thí điểm đặt camera xử phạt người vứt rác bừa bãi nơi công cộng, giúp nâng cao ý thức của người dân và môi trường cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm..
Với hiệu quả công việc đạt được, tập thể Tổ môi trường số 1 nơi bà Hiếu phụ trách luôn được UBND quận Hoàn Kiếm, Urenco tặng Giấy khen. Bản thân bà Hiếu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội ghi nhận, tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công việc. Năm 2019, bà vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt” và trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) tới đây, bà là một trong 10 công dân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.