Văn nghệ

Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân: Sao cho trọn vẹn đôi đường

An Định 17/12/2023 - 06:50

Tính từ lần đầu tiên năm 1984 đến nay, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đã qua 10 kỳ xét tặng. Dẫu vậy, xung quanh việc xét tặng danh hiệu cao quý này vẫn luôn có nhiều luồng dư luận, đặc biệt là câu hỏi đầy trăn trở: Danh hiệu là sự ghi nhận trọng thị với các thế hệ nghệ sĩ, vì vậy việc xét sao cho trọn vẹn, sao cho xứng đáng là điều thực sự quan trọng.

nsnd-1.jpg
NSND Đức Trung.

Nhiều nghệ sĩ được trao tặng nhất

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký Quyết định 1431/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu NSND cho 42 cá nhân. Như vậy, cùng với danh sách đợt 1 năm nay gồm 77 người được Chủ tịch nước ký vào ngày 22-6, trong lần xét tặng danh hiệu lần thứ X - năm 2023 có tổng cộng 119 Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) ở nhiều lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được phong tặng danh hiệu NSND.

Nhìn lại các lần xét tặng danh hiệu NSND thì đây là lần có đông nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý này nhất. Đứng thứ 2 là lần xét tặng thứ VIII năm 2015 với 102 nghệ sĩ, còn lại, số lượng NSND được xét tặng các lần khác chỉ dừng ở con số hàng chục. Đặc biệt, ở những lần xét tặng đầu tiên, số lượng NSND được phong tặng khá khiêm tốn so với con số hiện nay, lần I năm 1984 có 40 nghệ sĩ, lần II năm 1988 có 13 nghệ sĩ...

nsnd-2.jpg
Vợ chồng ca sĩ Tấn Minh, nghệ sĩ chèo Thu Huyền được phong NSND cùng đợt.

Niềm vui có danh hiệu đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nghệ sĩ. Chia sẻ trên trang cá nhân, ca sĩ Thanh Lam viết: “Xin tri ân sự vinh danh của Nhà nước, các cô chú, anh chị đồng nghiệp và tình cảm của khán giả dành cho Thanh Lam suốt mấy chục năm đam mê ca hát!”. Cô cũng là gương mặt được chờ đợi ở lần phong tặng này, trước đó cô từng bị “trượt” danh hiệu do hồ sơ không đủ điều kiện.

Danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý NSND lần này còn có nhiều gương mặt đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả Thủ đô và cả nước như biên đạo múa Trần Ly Ly, nghệ sĩ Bùi Công Duy, ca sĩ Tấn Minh, nghệ sĩ chèo Thu Huyền, diễn viên, đạo diễn Trần Lực...

nsnd-4.jpg
NSND Bùi Công Duy.

Ngoài ra, đợt xét tặng thứ 2 trong năm nay cũng có một số điểm thu hút sự chú ý của công chúng. Ca sĩ Phương Thảo (Phạm Thị Thảo) đã trở thành “hiện tượng” khi là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất (41 tuổi) được phong tặng danh hiệu NSND lần này. Phương Thảo được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2016. Nghệ sĩ cao tuổi nhất được phong tặng là diễn viên Đức Trung, nay đã 84 tuổi. Nhà hát Kịch Việt Nam có tới 3 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND đợt này gồm Xuân Bắc, Tạ Tuấn Minh và Hoàng Lâm Tùng.

Vẫn còn những băn khoăn

Số lượng nghệ sĩ được vinh danh ngày càng nhiều cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, việc vinh danh trong một số trường hợp cũng khiến dư luận còn băn khoăn. Chẳng hạn nhiều người vẫn nhắc tới phát ngôn “mắng khán giả” hồi đầu năm của NSƯT Xuân Bắc - cho thấy công chúng đặt kỳ vọng vào danh hiệu NSND ở nhiều khía cạnh, không phải chỉ ở khả năng chuyên môn. Hay với những gương mặt trẻ, nhiều người cũng có ý kiến cho rằng chúng ta tôn vinh tài năng trẻ, nhưng liệu có “bỏ sót” nghệ sĩ xứng đáng?

Đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ X áp dụng theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Nghị định này từng làm dấy lên những tranh luận xung quanh việc "quy đổi" huy chương trong tiêu chí xét duyệt. Theo NSND Khải Hưng, đây có thể xem là điểm gây tranh cãi lớn nhất ở tất cả các lần xét tặng danh hiệu. Lý do là sự chênh lệch về số lượng các cuộc thi ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau dẫn đến có những ngành có quá nhiều hội diễn nên “quy tụ” nhiều NSND, NSƯT, trong khi có ngành lại rất “thưa thớt” danh hiệu. Điều này gián tiếp dẫn đến “bệnh thành tích”, “mưa huy chương” ở các hội diễn. Chính vì vậy, ông cũng như công chúng mong mỏi cần có sự “thanh lọc” kỹ hơn về giá trị các giải thưởng.

Bên cạnh đó còn có câu chuyện “thầy già con hát trẻ” mang tính đặc thù của nghệ thuật biểu diễn. Rất nhiều nghệ sĩ gạo cội, có đóng góp lớn cho sân khấu nhưng khi xét duyệt lại không đủ huy chương do từ lâu đã “nhường lớp trẻ” trong các hội diễn, chẳng hạn như trường hợp của NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Chí Trung hay NSƯT Thành Lộc... Trong khi đó, có ca sĩ trẻ tài năng chưa phải xuất chúng vẫn được phong tặng vì đủ huy chương. Điều đó đã phần nào làm giảm đi sức hút, sức thuyết phục của danh hiệu.

Chính vì vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, dù việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là một ý tưởng thú vị, có thể tham khảo và áp dụng.

Được biết, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian và đối tượng đặc thù. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP là cần thiết.

Hy vọng, với việc ngày càng hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan trong việc xét duyệt, danh hiệu NSND, NSƯT sẽ thực sự trở thành danh hiệu cao quý để người nghệ sĩ ước mơ, phấn đấu không ngừng, là niềm khích lệ, động viên to lớn cho họ trên con đường sáng tạo nghệ thuật, phục vụ nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân: Sao cho trọn vẹn đôi đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.