Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tiêu dùng toàn cầu thờ ơ với việc mua sắm điện thoại thông minh

Hoàng Linh| 06/11/2022 16:50

(HNMO) - Số liệu mới công bố của hãng phân tích thị trường Canalys cho thấy, bất chấp những nỗ lực của các nhà sản xuất, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu tiếp tục suy giảm trầm trọng trong quý vừa qua.

Sau Galaxy A04s (giá khoảng 3,99 triệu đồng tại Việt Nam) vào giữa tháng 9, Samsung không tung ra thêm mẫu điện thoại nào mới.

Cụ thể, với 297,8 triệu máy bán ra, lượng điện thoại thông minh tiêu thụ trên toàn cầu giảm tới 9% trong quý III-2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh doanh sáng sủa nhất, nhờ mức tiêu thụ gia tăng tại các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Philippines… 

Xét về từng thương hiệu, Samsung vẫn giữ được vị trí dẫn đầu về doanh số, dù chứng kiến mức suy giảm tới 8%, khi chỉ bán được 64,1 triệu máy (tương đương 22% thị phần toàn cầu). Hãng điện tử Hàn Quốc đang nỗ lực làm mới danh mục sản phẩm điện thoại gấp, đồng thời mạnh tay đầu tư vào các dự án tiếp thị nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm của mình.  

Về phần mình, Apple là hãng duy nhất đạt tăng trưởng, với 53 triệu máy tới tay người tiêu dùng, tăng 8%. Táo đang nắm giữa 18% thị phần, đứng ở vị trí thứ hai. 

Trong khi đó, việc kinh doanh của các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục gặp khó, trong bối cảnh thị trường nội địa chủ lực vẫn “đóng băng”.

Xiaomi, sau 2 quý liên tiếp suy giảm 2 chữ số, đã gượng lại với mức tụt chỉ 8%, đạt 40,5 triệu máy bán ra. Về phần mình, OPPO và Vivo giữ được vị trí thứ tư và thứ năm, dù doanh số giảm tương ứng tới 22% và 20%, đạt lần lượt 28,5 triệu và 27,4 triệu máy bán ra.  

iPhone 13 và 14 được ưa chuộng trên toàn cầu đã giúp duy trì Apple doanh số.

Theo giới phân tích, thứ duy nhất kinh doanh sáng sủa trong thị trường điện thoại thông minh quý vừa qua là các dòng sản phẩm cao cấp. Đây cũng là lý do giúp Apple giữ được sức bán tốt, duy trì doanh thu ổn định. Hai dòng sản phẩm chiến lược của hãng lúc này là iPhone 13 và iPhone 14 mới. Các mẫu bán chạy nhất là iPhone 14 Pro và biến thể cỡ lớn 14 Pro Max. 

Trong khi đó, sức mua đối với nhóm máy tầm trung và phổ thông suy giảm mạnh, không chỉ bởi mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày càng gia tăng, mà còn bởi nhu cầu cắt giảm chi tiêu của người dùng - thường tập trung ở nhóm khách hàng mua máy giá rẻ. 

Dự báo tình hình quý cuối cùng của năm 2022, giới phân tích khẳng định những phức tạp trên toàn cầu sẽ vẫn kìm hãm sức bán của điện thoại thông minh, bất chấp mùa mua sắm cuối năm đổ bộ.

Người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay trở lại đầu tư vào các thương hiệu uy tín, và các mẫu sản phẩm mang tính biểu tượng, thay vì mạo hiểm “chơi” các dòng máy lạ lẫm hơn. Điều này đồng nghĩa rằng các “ông lớn” như Apple hay Samsung sẽ có nhiều cơ hội củng cố việc kinh doanh hơn so với những tên tuổi khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng toàn cầu thờ ơ với việc mua sắm điện thoại thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.