Công nghệ

Thị trường điện thoại thông minh khởi sắc sau 7 quý suy giảm liên tiếp

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 23/02/2024 - 15:56

Những thống kê mới ghi nhận thị trường điện thoại thông minh Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian dài suy giảm.

vivo_2.jpeg
Điện thoại phân khúc phổ thông vẫn là dải sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại Đông Nam Á.

Theo số liệu công bố đợt cuối tháng 2-2024 của hãng phân tích thị trường Canalys, khu vực Đông Nam Á đã tiêu thụ 23,8 triệu điện thoại thông minh các loại trong quý cuối cùng của năm 2023, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo các nhà phân tích, mặc dù khu vực chứng kiến suốt năm 2023 suy giảm tiêu thụ điện thoại, nhưng đã từng bước phục hồi, chủ yếu do lượng sản phẩm mới ra mắt dồn dập và những ưu đãi lớn từ các kênh phân phối. Điện thoại giá rẻ (dưới 299 USD, tương đương dưới 7 triệu đồng) vẫn chiếm tỉ trọng lớn tại khu vực này.

Xét về từng thương hiệu, dù lượng bán năm 2023 giảm tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 18,2 triệu máy), Samsung vẫn duy trì vị trí dẫn đầu ở Đông Nam Á với 18% thị phần. Chiến lược tập trung vào phân khúc cao cấp của hãng điện tử Hàn Quốc đã bù đắp cho sự yếu thế gần đây của phân khúc phổ thông (các dòng Galaxy A).

Một bất ngờ trong giai đoạn này là Transsion, lần đầu vươn lên vị trí thứ hai trong khu vực, với 16% thị phần. Đây là hệ quả của doanh số khu vực tăng trưởng tới 153% trong năm vừa qua, với mũi nhọn tại Indonesia và Philippines. Dù vậy, Transsion chỉ giữ vị trí đầu bảng tại Philippines (38% thị phần), trong khi ngôi đầu tại Indonesia - quốc gia đông dân nhất khu vực - thuộc về Vivo (19% thị phần).

Cuối nhóm Top 5, Xiaomi và OPPO cạnh tranh quyết liệt, và đều nắm 15% thị phần ở thị trường Đông Nam Á. Dù vậy, hai nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc chứng kiến diễn biến kinh doanh trái ngược, với Xiaomi tăng trưởng 44% còn Oppo tụt 27%. Tuy nhiên, nỗ lực trong việc cải thiện nhận diện thương hiệu bằng các sản phẩm cao cấp của Oppo nhận được đánh giá tích cực từ phía giới chuyên môn, cho rằng, đã bù đắp được điểm yếu của hãng này trong phân khúc điện thoại giá siêu rẻ.

Riêng thị trường Việt Nam được đánh giá là đang phục hồi chậm hơn dự báo, trong bối cảnh các nhà phân phối lớn như Thế giới di động hay FPT đang chuyển hướng đầu tư sang một số lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI). Xu hướng này được cho là nguyên nhân giúp Samsung chiếm lĩnh thêm thị phần trong nước, hiện đã lên tới 32%. Các vị trí tiếp theo trong danh sách bán nhiều điện thoại ở Việt Nam là Apple (21%), Xiaomi (18%), Oppo (16%) và realme (4%).

galaxy_1.jpg
Các hãng điện thoại cần có những phát kiến đáp ứng hiệu quả và đúng lúc nhu cầu phát sinh của người dùng để thuyết phục họ "xuống tiền" mua máy mới trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn về tương lai, các đánh giá đều tỏ ra lạc quan, với dự báo tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2024. Nguyên nhân chính là do làn sóng mua sắm năm 2021 sẽ trở lại trong năm 2024, đúng theo chu kỳ “lên đời” sản phẩm. Tuy nhiên, các hệ thống kinh doanh cũng được cảnh báo cần lưu ý tới biến động lãi suất và lạm phát, là các yếu tố có thể kìm hãm sức mua.

Một số ý kiến cũng cho rằng, các nhà sản xuất có chiến lược sản phẩm đánh trúng thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu sử dụng sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Đây cũng là bài học đến từ thành công của Honor (tách ra từ Huawei) tại Malaysia thời gian qua. Việc bắt đúng nhịp phổ cập 5G đã giúp nhà sản xuất có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) tăng trưởng doanh số tới 184% tại quốc gia này trong năm vừa qua.

Về lâu dài, các xu hướng mới như AI, hệ sinh thái hữu dụng và tối ưu hóa kênh kinh doanh sẽ là những động lực cần thiết của lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, các nhà cung cấp sẽ phải dành sự quan tâm cần thiết cho việc đổi mới, qua đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng tại một trong những thị trường đang được đánh giá là màu mỡ nhất cho điện thoại thông minh của thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường điện thoại thông minh khởi sắc sau 7 quý suy giảm liên tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.