Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người Phát ngôn của Chính phủ đối với một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm:
1. Có ý kiến cho rằng việc tăng đầu tư công gắn với quản lý sử dụng kém hiệu quả là nguyên nhân làm cho nợ Chính phủ tăng. Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công cần đặt trong Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và phải gắn với tái cơ cấu hệ thống tài chính. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trước thực trạng này?
Trả lời:
Trong điều kiện thu ngân sách nhà nước chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển, việc vay nợ để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình hình và giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công và bảo đảm an toàn nợ công.
Thời gian qua, đầu tư công đã góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm an toàn nợ công. Hệ thống pháp luật về đầu tư công ngày càng được hoàn thiện theo hướng tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ nợ xây dựng cơ bản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Tích cực triển khai thực hiện Luật Đầu tư công gắn với kế hoạch đầu tư trung hạn; tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương; tăng cường theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra chương trình, dự án đầu tư công, nâng cao vai trò của giám sát cộng đồng, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ vay; tăng cường huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp hơn và thời hạn dài hơn để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm, kể cả vào tháng Tết Nguyên đán. Có ý kiến cho rằng đó là dấu hiệu của giảm phát. Xin cho biết quan điểm về vấn đề này?
Trả lời:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá dầu thế giới, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông. Nguồn cung hàng hóa dồi dào. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Chương trình kích cầu, khuyến mãi cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương. Lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm...
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4% , nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).
3. Được biết, trong 3 phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các bộ, ngành đều nhất trí với phương án cao nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo phải rà soát lại. Xin cho biết kết quả đến nay như thế nào?
Trả lời:
Theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015.
4. Có ý kiến cho rằng, đang có bất cập trong cách thức quản lý giá xăng và giá cước vận tải; cơ quan điều hành phải là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chứ không phải Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Xin cho biết quan điểm về vấn đề này?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Giá, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định.
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, các luật chuyên ngành được soạn thảo theo hướng giao các Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm chủ trì quản lý giá sản phẩm, dịch vụ có tính chuyên sâu của ngành mình. Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung; các Bộ, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định (như Bộ Y tế quản lý giá thuốc, Bộ Giao thông vận tải quản lý giá cước vận tải, Bộ Công Thương quản lý giá điện, xăng dầu…).
Với mặt hàng xăng dầu hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thông qua cơ chế hoạt động của Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu. Như vậy, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá xăng dầu trong nước; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu.
5. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa thông báo lỗ hơn 1.300 tỷ đồng trong Quý IV/2014 và cả năm 2014 lỗ hơn 350 tỷ đồng. Nguyên nhân là do áp dụng Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định công thức tính giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu, trong khi doanh nghiệp luôn phải bảo đảm tồn kho dự trữ tối thiểu là 30 ngày. Xin hỏi vấn đề này có ảnh hưởng gì đến việc điều hành xăng dầu trong thời gian tới?
Trả lời:
Giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP với nguyên tắc cơ bản là: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ở nước ta, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá thế giới.
Việc xây dựng giá cơ sở quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước trong từng thời kỳ. Mức giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày có thể trùng, cao hơn hoặc thấp hơn giá vốn thực tế tại từng thời điểm của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chu kỳ tính giá, tần suất điều chỉnh giá (15 ngày) đã được xin ý kiến rộng rãi và được các đơn vị thống nhất, bảo đảm sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Trong Quý IV/2014, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, Liên Bộ tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng hài hòa các công cụ thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước, trong đó có cân nhắc đối tượng sử dụng từng chủng loại xăng, dầu. Để góp phần hạn chế việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới và bảo đảm thu ngân sách nhà nước, Liên Bộ đã điều hành kết hợp giảm giá bán xăng dầu trong nước, trích Quỹ BOG và tăng thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu phù hợp.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng vào cuối tháng 1/2015, Liên Bộ đã tính toán cho phép thương nhân đầu mối tăng mức sử dụng Quỹ BOG để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu theo quy định.
Kết quả kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối được đánh giá trên cơ sở xem xét tác động tổng thể của các yếu tố, nhất là biến động giá xăng dầu thế giới và phương án, chiến lược tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ Quý IV/2014 đến nay, do giá dầu thô thế giới giảm mạnh (xuống mốc thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), việc sử dụng cách tính giá cơ sở theo Nghị định 83 dẫn đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân đầu mối khó chủ động trong phương án kinh doanh, nhập hàng... Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cần phải tính toán, đánh giá không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung, dài hạn và gắn với diễn biến tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới.
Thời gian tới, Liên Bộ tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về thuế, Quỹ BOG, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu; trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
6. Gần đây Tổ chức động vật châu Á đã khuyến cáo chấm dứt lễ hội chém lợn ở Làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Một số ý kiến người dân đã đề nghị huỷ bỏ lễ hội này (cũng như một số lễ hội hiện nay như giết trâu trong lễ hội chọi trâu, lễ hội cầu trâu...) và cho rằng cần rà soát, thay đổi các tập tục theo hướng văn minh hơn. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời:
Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội Làng Ném Thượng nói riêng, lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung, là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng; đồng thời, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.
Trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp rà soát, hướng dẫn cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp. Các cơ quan thông tin truyền thông thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9/2/2011 và Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015, đăng tải, đưa tin có thời lượng phù hợp, trong đó nêu bật những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội.
7. Hoạt động lễ hội đầu xuân có không ít bất cập như chen lấn, xô đẩy, ẩu đả… Chính phủ có giải pháp gì để chấn chỉnh hiện tượng này?
Trả lời:
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng có Công điện số 229/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Sau kỳ nghỉ Tết, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/2 đánh giá tình hình Tết Nguyên đán và những công việc cần triển khai sau Tết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện, trong đó yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo để bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là nơi diễn ra lễ hội phải tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao.
8. Trong dịp Tết vừa qua, tai nạn giao thông gây chết người tăng mạnh, xin hỏi địa phương nào xảy ra tình trạng này nhiều và Chính phủ đã có chỉ đạo gì?
Trả lời:
Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, có 03 địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi, không để xảy ra vụ việc tai nạn giao thông là Lạng Sơn, Quảng Ninh và Phú Thọ. 11 địa phương có số lượng người chết vì tai nạn giao thông ở mức cao (từ 10-13 người) là Hưng Yên, Tiền Giang, Đắk Lắk, Nghệ An, Hải Dương, Bến Tre, Bình Định, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/2 về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhất là những địa phương xảy ra nhiều tai nạn giao thông và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.
9. Theo giải trình của Bộ Giao thông vận tải về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên họp thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì nhiều hạng mục của dự án được cắt giảm, với số vốn giảm 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, các ý kiến tại phiên họp thể hiện yêu cầu hoàn thiện hơn nữa dự án, nhất là việc huy động vốn, tác động đến nợ công. Có ý kiến còn nêu nếu rà soát kỹ thêm lần nữa thì tổng số vốn có giảm nữa hay không. Xin Người phát ngôn cho biết quan điểm về vấn đề này?
Trả lời:
Tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ đã báo cáo giải trình rõ về Dự án. Báo cáo lần này đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và ý kiến đóng góp của cử tri, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn.
Tuy nhiên, đây mới là báo cáo tiền khả thi; cần tiếp tục hoàn thiện các bước theo quy định của Đảng, Nhà nước để đi đến báo cáo cuối cùng, trình Quốc hội theo quy định. Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát tổng vốn đầu tư, đánh giá tác động đến nợ công của Dự án này. Bộ Giao thông vận tải cũng đã khẳng định các dự án cảng hàng không từ trước đến nay đều làm ăn có lãi, bảo đảm trả nợ theo tiến độ và chưa có cảng nào không trả được nợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.