(HNM) - Chưa bao giờ người chăn nuôi cả nước lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay: Giá cả sản phẩm tiêu thụ bấp bênh trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng với tốc độ phi mã...
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), hiện giá thịt lợn hơi chỉ 31.000-37.000 đồng/kg; gà lông cũng giảm từ 10.000 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg. Như vậy, giá sản phẩm chăn nuôi trong nước đang thấp hơn các nước trong khu vực 4.000-8.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông, Sơn Tây cho biết: "Từ đầu năm đến nay, trang trại (TT) của gia đình tôi mới nuôi được một lứa lợn và lứa gà nhưng với giá cả hiện nay, nếu xuất chuồng 1.500 con lợn, tôi lỗ gần 2 tỷ đồng, bán 1 vạn con gà, lỗ thêm 94 triệu đồng".
Hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện là yêu cầu bức thiết. Ảnh: Sơn Đông |
Trong khi đó, trong 4 tháng đầu năm, giá TĂCN tăng 2 đợt, mỗi đợt tăng 200-300 đồng/kg. Người chăn nuôi khốn đốn. Cả HTX Cổ Đông chỉ nuôi cầm chừng khoảng 50% số lượng đầu con so với năm trước, còn hầu hết các TT khác chỉ "chăn nuôi vệ tinh" cho công ty nước ngoài để tránh rủi ro.
Không chỉ các hộ chăn nuôi lớn, các TT chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân còn thê thảm hơn. Ông Tạ Ngọc Mứt, thôn Phú Đa 1, xã Cần Kiệm (Thạch Thất) cho biết, gia đình ông đang nuôi 10 con lợn thịt, vừa rồi xuất chuồng với giá 30.000-31.500 đồng/kg. Ông lỗ 4-5 triệu đồng lứa lợn ấy. Vì vậy, gia đình buộc phải giảm đàn, chỉ nuôi 2 con để lấy công làm lãi.
Các hộ chăn nuôi gia cầm cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh Dương Văn Huyền, thôn 5, xã Ba Trại (Ba Vì), ngao ngán vì thua lỗ. Giờ đây, giá gà lông trắng chỉ 27.000-28.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất lên tới 32.000 đồng/kg. Vì vậy, với quy mô hàng vạn con gà, mỗi lần xuất chuồng, TT đã lỗ hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, dù có hai khu nuôi gà nhưng TT chỉ nuôi cầm chừng một chuồng, còn bỏ trống để tránh tổn thất. Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Tuân ở xã Bạch Hạ, Phú Xuyên, cũng vừa ngậm ngùi với khoản lỗ 30 triệu đồng trong đợt xuất chuồng đàn vịt vừa qua. Số tiền này đối với người nông dân không nhỏ nên lứa sau anh chưa tính nhập đàn về nuôi.
Miễn thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi?
Theo các chuyên gia, việc ngành chăn nuôi liên tiếp thua lỗ thời gian qua là do chưa có quy hoạch phát triển bền vững. Các TT quy mô lớn - theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến chế biến trên cả nước - mới chỉ chiếm 25%, còn có tới 4 triệu hộ chăn nuôi lợn và 7,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, manh mún trong dân. Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam Nguyễn Bá Lịch cho rằng: "Một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam là lệ thuộc hoàn toàn vào TĂCN của nước ngoài. Không những thế, việc đánh thuế VAT 5% trên TĂCN (hiện không có nước nào áp dụng như ở Việt Nam) đã khiến giá TĂCN của nước ta quá cao, cao hơn 10 - 15% so với các nước trong khu vực. Do đó, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh cho hợp lý, nên chăng miễn thuế VAT cho TĂCN để người chăn nuôi có điều kiện duy trì sản xuất".
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thời gian qua thành phố đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các hộ chăn nuôi với thời gian 6 tháng (từ tháng 9-2012 đến tháng 2-2013). Đến nay, đã giải ngân trên 5 tỷ đồng, lãi suất 13%/năm, bước đầu giải quyết được khó khăn về vốn cho một số hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, với đà giảm giá như hiện nay, Nhà nước nên tiếp tục có chính sách khoanh và giãn nợ cho các hộ chăn nuôi". Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi lại cho rằng: "Trong khi chờ các chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành, người chăn nuôi cần chủ động tháo gỡ khó khăn, triệt để phòng ngừa dịch bệnh và giảm thiểu giá thành sản xuất. Các hộ chăn nuôi cần liên kết, thành lập các HTX để có thể trực tiếp mua thức ăn từ các nhà máy chế biến, tránh qua các khâu trung gian làm giá thành tăng cao, đồng thời bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến để tránh bị thương lái ép giá".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.