Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người bán thịt heo suýt chết vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Tuệ Diễm| 09/06/2016 21:08

(HNMO)- Bệnh viện Chợ Rẫy vừa cứu sống một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn đã biến chứng sốt cao, kích động co giật sau đó là mất tri giác phải thở máy.

Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn viêm cầu lợn đã phục hồi


Bệnh nhân là ông Phạm Tất Lực, sinh năm 1964, ngụ tại An Giang được chuyển từ bệnh viện An Giang về bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu vào 1-6. Bệnh nhân Lực nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, và mất tri giác. Trước đó, tại bệnh viện An Giang đã chuẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não, đã cho uống thuốc kháng sinh nhưng bệnh tình càng trở nặng. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Lực tiếp tục được chuẩn đoán viêm màng não, và tiếp tục cho uống kháng sinh.

Đến ngày thứ 5 nhập viện tình trạng bệnh nhân càng trở nặng, bệnh nhân bị sốc, rơi vào trạng thái lơ mơ và phải đặt nội khí quản, cho thở máy. Sau khi điều tra thông tin từ người nhà bệnh nhân, các bác sĩ Chợ Rẫy phát hiện bệnh nhân có làm nghề buôn bán thịt heo. Do đó, các bác sĩ đã đặt nghi ngờ bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn viêm cầu lợn, do đó phải áp dụng kháng sinh đặc dụng, không còn áp dụng điều trị viêm màng não thông thường. Bệnh nhân Lực đã được sử dụng kháng sinh, kết hợp với phương pháp hồi sức cấp cứu. Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, dự kiến sẽ xuất viện sau 4 ngày tới.

Bác sĩ Trần Quang Bính-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh nhiễm khuẩn viêm cầu lợn có 4 biến chứng: viêm màng não mũ, sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm độc, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân có thể tử vong từ sau 7 giờ nhiễm khuẩn đến 10 ngày. Trường hợp bệnh nhân Lực nhiễm là biến chứng ít gặp, rất may chúng tôi đã chuẩn đoán đúng và điều trị kịp thời”.

Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Steptococus suis gây ra, vi khuẩn này thường có mặt trong đường hô hấp của lợn, nếu có điều kiện nó sẽ phát triển và gây bệnh. Người bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bị nhiễm bệnh. Các đối tượng nguy cơ nhiễm cao như: nuôi lợn, giết mổ lợn,bán thịt lợn và ăn thịt lợn nấu chưa chín.

Bệnh nhiễm khuẩn viêm cầu lợn xuất hiện nhiều nhất tại Trung Quốc, kế đến là các nước Hồng Kông, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam bệnh được phát hiện được từ 10 năm trước. Bộ Y tế cũng đã ra văn bản, phác đồ điều trị và các hướng dẫn cho người dân phòng tránh bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người bán thịt heo suýt chết vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.