Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý tăng - giảm

Hoàng Thu Vân| 24/05/2011 06:28

(HNM) - Ban soạn thảo đề án mức viện phí mới của Bộ Y tế cho biết, sẽ kiến nghị điều chỉnh giá 350 dịch vụ hiện hành có mức thanh toán thấp vì những khung giá các loại dịch vụ này ban hành từ năm 1995, đến nay quá lạc hậu. Cụ thể trong số 350 dịch vụ có 220 dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 loại dịch vụ có mức tăng từ 7 tới 10 lần...


Với sự phát triển của xã hội, trong 15-16 năm qua vẫn duy trì mức viện phí với các loại dịch vụ đó là không hợp lý khi đồng lương và mọi giá cả sinh hoạt đều đã thay đổi. Như dẫn chứng của Bộ Y tế: Giá găng tay y tế từ 200-300 đồng/chiếc, nay tăng lên 2.500-3.000 đồng/chiếc, có loại chuyên dụng mức giá tới 6.000-7.000 đồng/chiếc; chỉ phục vụ cho phẫu thuật loại không tiêu nay dùng chỉ tự tiêu nên mức giá tăng khoảng 20-25 lần (45.000-50.000 đồng/sợi); rồi giường bệnh có mức phí từ 4.000 đồng tới 18.000 đồng/ngày (mức thu từ năm 1995) trong khi chỉ tính riêng tiền xử lý chất thải cho một giường bệnh theo giá hiện nay đã là 17.000 đồng...

Đưa ra tính toán chi li như vậy để thấy rằng, lẽ ra đề xuất mức viện phí mới của Bộ Y tế phải nhận được sự đồng thuận của dư luận, nhưng...

Trước hết, đề xuất tăng viện phí của Bộ Y tế là vấn đề không mới và đã kéo dài trong 10 năm qua. Những phân tích về sự bất hợp lý trong mức giá những loại dịch vụ cụ thể của cơ quan chủ quản là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ mức giá như vậy có là thực thu trong thực tế? Dù không muốn nhưng chắc hẳn từ trẻ tới già chẳng có ai chưa một lần phải bước chân vào bệnh viện để cậy nhờ các lương y. Vẫn biết trên lý thuyết thì những người mặc áo blu trắng chả khác nào các từ mẫu, thậm chí có người giữ được mạng sống suốt đời không thể quên công ơn của các thầy thuốc... Nhưng những "từ mẫu" thời nay khác trước rất nhiều, thậm chí trở thành nỗi khiếp sợ của người bệnh, dù rằng vẫn phải tiếp xúc, "ngoại giao", luôn nói những lời có cánh... và không thể được quên thủ tục "đầu tiên". Thử hỏi, năm ngoái, năm nay, hay vài năm trước có bệnh nhân nào được tính viện phí với mức 18.000 đồng/ngày/giường bệnh (là mức thu tối đa theo quy định hiện hành)? Ở một bệnh viện lớn trên đường Giải Phóng, bệnh nhân chuyển đúng tuyến, bệnh nặng cũng phải nằm ghép 4 người/một giường với giá là 80.000 đồng/ngày/giường. Muốn nằm một mình thì 200.000 đồng/ngày/giường (loại 10 giường một phòng) hoặc 300.000 đồng/ngày/giường (loại 4 giường một phòng). Đó là chưa kể để được hưởng giường dịch vụ có khi còn phải mượn những phong bì hàng triệu đồng cất công... cậy nhờ. Chỉ ví dụ vậy để thấy cả 350 loại dịch vụ kia, loại nào tồn tại việc thu viện phí với mức của năm 1995?

Bệnh tật không chừa ai, nhưng nhiều lương y giờ chỉ muốn phục vụ đối tượng khám bệnh theo yêu cầu (người có thu nhập cao), chứ người nghèo, người thu nhập thấp, người có thẻ bảo hiểm y tế lo đủ thủ tục nhập viện đã méo mặt. Đúng là việc thanh toán của Bảo hiểm y tế với bệnh viện những khoản cho phép thì theo khung - bảng - biểu chi phí, nhưng những khoản bôi trơn, lót tay thì có trời mới tính được vì đơn giản nó không theo bất cứ chuẩn mực nào.

Với mức viện phí cũ, người bệnh đã phát sợ chuyện ốm đau, bệnh tật, thử hỏi mức viện phí mới cùng những khoản "ăn theo" khác, số đông người dân có chịu nổi không ?

Trên thực tế ai cũng hiểu việc tăng giá các loại dịch vụ y tế là cần thiết, nhưng chính sự không minh bạch đã làm cho các mức giá chuẩn bị biến tướng dưới nhiều hình thức. Mặt khác, giá tăng liệu chất lượng dịch vụ có tăng tương ứng? Dư luận rất cần câu trả lời của những người có trách nhiệm. Đã vậy, lại còn một nghịch lý, như phát biểu của ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam): "Có nhiều bệnh viện tư nhân đang tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế và cũng chỉ được thanh toán với cùng mức giá như bệnh viện công lập nhưng không thấy họ kêu lỗ". Đây là ý kiến rất đáng suy nghĩ. Phải chăng cũng như việc tái cơ cấu, tổ chức lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, đã đến lúc cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động và công tác quản lý của các bệnh viện công lập. Chứ cứ đà này e rằng, dù viện phí có tăng mức nào nhưng "thói quen thị trường" của nhiều lương y khiến họ khó trở thành... từ mẫu!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý tăng - giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.