(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp Hà Nội đối diện với không ít khó khăn, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.
Thu hoạch trứng gà tại một trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.Ảnh: Thái Hiền |
- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội, cũng như toàn ngành xét trên quy mô cả nước, gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp Thủ đô đã đạt được kết quả như thế nào trong 6 tháng đầu năm 2019, thưa ông?
- Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội và cả nước đối diện nhiều khó khăn: Thời tiết diễn biến khó lường. Đáng lo ngại nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, ở nhiều quận, huyện. Kể từ khi bệnh dịch này được phát hiện ngày 24-2, tính đến ngày 16-6, trên địa bàn thành phố đã có 387.528 con lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy (chiếm 20,7% tổng đàn lợn), tổng trọng lượng 26.536 tấn. Ngoài ra, giá nông sản thay đổi thất thường... Đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.
Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự cố gắng của bà con nông dân, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đạt một số kết quả quan trọng: Năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt 62 tạ/ha. Diện tích trồng lúa chất lượng cao chiếm 55% tổng diện tích, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng, đạt 2.732,64ha, tăng 32,8%...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhìn chung chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Toàn thành phố hiện duy trì chăn nuôi 24.000 con trâu, đàn bò 134.400 con, tăng lần lượt 3,7% và 0,43% so với cùng kỳ năm 2018. Chăn nuôi gia cầm phát triển, ước tính đàn gia cầm hiện khoảng 34 triệu con, tăng 11,7%. Sản lượng thủy sản tính đến hết tháng 5-2019 đạt 51.000 tấn, tăng 4,08%.
Tính chung, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp Hà Nội duy trì tăng trưởng 1,15%.
- Khó khăn, thách thức với ngành Nông nghiệp và người nông dân Thủ đô rõ ràng không nhỏ. Vậy đâu là mấu chốt để ngành Nông nghiệp Hà Nội đạt được kết quả nêu trên?
- Theo tôi, mấu chốt ở đây là sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị thành phố. Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, qua đó kịp thời hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả, yên tâm phát triển sản xuất. Tiếp đến, quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp Thủ đô đã và đang đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ nét.
Trong quá trình này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các quận, huyện, thị xã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng tốt…
- Thời gian tới, dự báo thời tiết và tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ông có đánh giá gì về những khó khăn sản xuất nông nghiệp Hà Nội còn phải đối mặt?
- Từ nay đến cuối năm 2019, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn những diễn biến rất khó lường. Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, đến thời điểm này chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh.
Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô...
- Nhằm khắc phục khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm gì, thưa ông?
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là ngăn chặn, khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi và cơ cấu, tổ chức lại lĩnh vực chăn nuôi. Sở NN&PTNT đang tập trung cao độ cho công tác lai tạo, sản xuất giống vật nuôi để đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt bằng các giống bò chất lượng, như: Wagyu, Angus, BBB; nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái bằng các giống lợn nhập ngoại; sản xuất các giống gia cầm chất lượng, như gà thả đồi, gà thả vườn, vịt và các giống gà đẻ trứng.
Về trồng trọt, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất tốt vụ mùa, vụ đông năm 2019-2020… trên cơ sở sử dụng giống cây trồng cho giá trị cao; chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp gắn với nhu cầu thị trường...
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”. Ngoài ra, Sở tiếp tục tập trung xây dựng, duy trì, phát triển các chuỗi nông sản an toàn; chú trọng công tác kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.