Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn thất thoát trong cổ phần hóa

Đức Anh| 30/01/2018 07:33

(HNM) - Áp lực phải hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ có thể tạo ra những kẽ hở, đòi hỏi cơ quan quản lý phải tìm ra giải pháp để chống thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phát huy hiệu quả vốn ngân sách sau cổ phần hóa.


Tổng công ty Viễn thông MobiFone là một trong 64 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018.


Hiển hiện nguy cơ thất thoát vốn

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo kế hoạch năm 2018, sẽ có 64 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa. Trong danh sách này, có những doanh nghiệp có giá trị vốn rất lớn như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội... Bên cạnh đó là hơn 150 doanh nghiệp đã được phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2016 và năm 2017 chuyển sang năm 2018.

Cũng trong năm nay, Chính phủ sẽ thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, tương đương với việc mỗi tháng phải thoái vốn tại hơn 15 doanh nghiệp, chưa kể số lượng doanh nghiệp thoái vốn tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện theo kế hoạch riêng. Như vậy, lượng vốn nhà nước được bán ra thị trường rất lớn.

Một vấn đề đặt ra là, khi các đơn vị “chạy đua” cổ phần hóa và thoái vốn cho đạt kế hoạch có thể gây ra thất thoát vốn nhà nước. Nhận xét về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích: Câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam thời gian qua là một điển hình. Thực tế, khi cổ phần hóa, thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam được định giá 0 đồng. Khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá trị doanh nghiệp của hãng này được xác định ở mức 50 tỷ đồng. Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải trả hơn 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần và nắm giữ hàng nghìn mét vuông "đất vàng" tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà Hãng phim đang thuê lại của Nhà nước. Đây là một trong những kẽ hở khiến tài sản của Nhà nước thất thoát khi doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, một vấn đề khác trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước là khâu định giá tài sản doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khi định giá tài sản nhà cửa, vật liệu kiến trúc… đã không tuân thủ việc ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất… Vì vậy, nếu thực hiện cổ phần hóa không tốt, không đúng lộ trình và vội vã sẽ gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.

Quản chặt nguồn vốn sau cổ phần hóa

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, việc cổ phần hóa theo tư duy nhiệm kỳ, thiếu kiểm tra, kiểm soát, lợi ích nhóm… sẽ gây ra tình trạng lạm dụng việc cổ phần hóa để tiêu tán tài sản công. Trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp phải chạy nước rút để cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã đề ra, do đó nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý, nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước sẽ rất lớn.

Để phòng ngừa thất thoát vốn nhà nước sau cổ phần hóa, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (ngày 26-11-2017) về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định này có những điểm mới sẽ hạn chế thất thoát vốn nhà nước. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị lo ngại về công tác tư vấn, bởi nếu đơn vị tư vấn yếu kém sẽ dẫn đến định giá không sát, hoặc kéo dài thời gian cổ phần hóa. Do đó, Nghị định 126/2017/NĐ-CP sẽ quy định rõ về nâng cao tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Cơ chế mới cũng bổ sung tiêu chuẩn đối với các tổ chức tư vấn nước ngoài sẽ tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến cổ phần hóa với những yêu cầu cụ thể và khắt khe với tổ chức tư vấn nước ngoài hoạt động thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

Nghị định 126/2017/NĐ-CP cũng đã quy định rõ hơn về xác định giá trị tài sản vô hình, cụ thể phải xác định lại giá trị tài sản vô hình để tính vào giá trị doanh nghiệp. Đặc biệt, để tăng cường công khai, minh bạch quá trình cổ phần hóa, Chính phủ đã bổ sung yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và gửi về Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp để theo dõi lộ trình, tiến độ cổ phần hóa.

Để quản lý tốt nguồn vốn nhà nước sau cổ phần hóa, cần sớm thành lập ủy ban chuyên quản lý về vấn đề này. Việc đưa nguồn tiền sau cổ phần hóa về Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sẽ giúp đồng vốn thu về được sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quỹ này cũng cần phải kiểm tra, giám sát rõ ràng chứ không thể cứ giao tiền là xong.

Nêu ý kiến về việc quản lý vốn nhà nước sau cổ phần hóa, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra các giải pháp. Đó là cần có kế hoạch, mục tiêu, quy chế, quy trình sử dụng nguồn vốn chặt chẽ theo Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, cần có phương án bán sao cho “được giá” nhất, không phải “bán tống bán tháo” kiểu như Hãng Phim truyện Việt Nam vừa qua. Các dự án, quá trình chi tiêu phải được quản lý chặt chẽ và phải làm rõ trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình cổ phần hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn thất thoát trong cổ phần hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.